Chia sẻ của bệnh nhân Hòa Bình chạy thận ở Bệnh viện Thận Hà Nội

Theo ông Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, có 20 bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Thận Hà Nội, 15 người vào Bệnh viện Bạch Mai, 27 bệnh nhân lọc máu ở Bệnh viện Bộ Nông nghiệp. 24 bệnh nhân khác được lọc máu tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Hòa Bình. Dự kiến ngày 1/6 có 19 bệnh nhân nữa được chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa thành phố Hòa Bình. Hầu hết bệnh nhân về Hà Nội đều mang cảm giác lo lắng sau sự cố tai biến hôm 29/5.

Những bệnh nhân này nằm trong số hơn 100 bệnh nhân đang điều trị lọc máu tại khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Sau sự cố 18 người bị tai biến khi đang lọc thận sáng 29/5 làm 7 người tử vong, khoa thận tạm ngừng hoạt động để phục vụ điều tra. Các bệnh nhân còn lại phải tạm thời chuyển về Hà Nội hoặc bệnh viện địa phương để chạy thận tiếp tục.

Ông Bùi Văn Nga 52 tuổi, ở Lương Sơn, Hòa Bình, đi chuyến xe buổi sáng cùng 19 người khác về Bệnh viện Thận Hà Nội lọc máu. Trong nhóm này có một bệnh nhân già nhất là ông Nguyễn Xuân Tý 82 tuổi.

62-benh-nhan-hoa-binh-ve-ha-noi-chay-than-ngay-dau-sau-vu-tai-bien

Các bệnh nhân Hòa Bình đang được chạy thận tại Bệnh viện Thận Hà Nội chiều 30/5. Ảnh: Lê Nga.

Ông Nga chạy thận đã được 6 năm, một tuần 3 lần vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình lọc máu. Sáng nay ông đến bệnh viện Hòa Bình để chạy thận định kỳ thì được đưa về Hà Nội. Vào Bệnh viện thận Hà Nội buổi sáng, ông cùng các bệnh nhân phải trải qua các khâu xét nghiệm ban đầu, đến chiều mới được chạy thận.

"Sau tai biến của 18 người, tôi thấy rất lo sợ nhưng được các bác sĩ trấn an. Hôm nay chạy thận ở Hà Nội, sức khỏe vẫn bình thường", ông Nga chia sẻ. Tối nay sau khi lọc máu xong, ông Nga cùng các bệnh nhân khác lại được xe đưa về Hòa Bình. 

Anh Đinh Văn Lịch trẻ khỏe hơn những người khác (sinh năm 92), song vẫn cảm thấy lo lắng khi về Hà Nội chạy thận. "Lúc bác sĩ tiến hành cắm máy móc vào cơ thể tôi rất sợ lại có tai biến, sau đó các bác sĩ động viên nên tinh thần tôi ổn định dần", nam bệnh nhân cho biết.

Các bệnh nhân bày tỏ mong muốn được sớm chạy thận ở Hòa Bình để tránh đi lại mệt mỏi.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, Bộ đã phân công các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện ở Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân chạy thận nhân tạo từ Hòa Bình chuyển về. "Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị chủ chốt điều phối bệnh nhân đến các bệnh viện Hà Nội để tiếp tục chạy thận", Thứ trưởng Tiến nói. 

hon-20-benh-nhan-hoa-binh-ve-ha-noi-chay-than-trong-ngay-dau-sau-vu-tai-bien-4

Một trong 10 bệnh nhân bị tai biến khi chạy thận ở Hòa Bình được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Ảnh: N.P.

Khoa Thận Nhân tạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình hiện quản lý hơn 126 bệnh nhân chạy thận. Các bệnh nhân cần chạy thận theo đúng lịch để thải độc cho máu. Vì thế, theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương, hàng ngày bệnh viện bố trí 2 chuyến xe đưa đón bệnh nhân cần lọc thận về các bệnh viện tại Hà Nội chạy thận.

"Các bệnh nhân lọc máu theo chu kỳ nên sẽ được thực hiện theo đúng lịch chạy thận nhân tạo hiện nay. Trước khi chuyển bệnh nhân đi Hà Nội, bác sĩ đều đánh giá tình hình sức khỏe của người bệnh có đảm bảo hay không", bác sĩ Dương cho biết. Trong thời gian sớm nhất, bệnh viện sẽ cố gắng duy trì lại hoạt động của khoa Thận để bệnh nhân không phải đi xa.

Thận được coi là bộ máy lọc chất độc trong máu ra khỏi cơ thể. Khi chức năng của cơ quan này suy giảm, độc tố sẽ tích tụ gây bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Sáng 29/5, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình thì có dấu hiệu nghi sốc phản vệ. 7 người lần lượt tử vong, một người đang trong tình trạng nguy kịch, 10 bệnh nhân còn lại được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai điều trị tiếp. Ngày 30/5, Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án để điều tra nguyên nhân tai biến.

Nam Phương - Lê Nga

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top