Lãnh đạo Bệnh viện K cho biết, sau vụ án Công ty dược phẩm VN Pharma làm giả hồ sơ nhập khẩu thuốc H-Capita, rất nhiều người đã và đang điều trị ung thư hoang mang lo lắng sợ đã dùng phải thuốc giả. Nhiều người gọi điện, nhắn tin, đặt câu hỏi trên website của bệnh viện: "Loại thuốc này có từng được sử dụng tại viện hay không?".

"Thuốc H-Capita chưa từng trúng thầu tại bệnh viện và chưa bao giờ được sử dụng, vì thế người bệnh có thể an tâm với những loại thuốc điều trị ung thư đang dùng", lãnh đạo Bệnh viện K khẳng định.

Nhiều bệnh viện khác cũng trấn an người bệnh ung thư về chất lượng thuốc điều trị đang được dùng. Dược sĩ Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM khẳng định bệnh viện chưa từng sử dụng thuốc H-Capita của VN Pharma. Thuốc này năm 2014 trúng đấu thầu ở Sở Y tế TP HCM cung cấp cho các bệnh viện, tuy nhiên đã bị Bộ Y tế niêm phong và thu giữ trước khi đưa ra thị trường.

Dược sĩ Nguyễn Quốc Bình, Trưởng khoa Dược Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho biết không những viện chưa bao giờ dùng thuốc H-Capita mà cả bảy loại thuốc ghi nhà sản xuất Helix Pharmaceuticals Inc., Canada bị Cục Quản lý Dược rút số đăng ký/giấy phép lưu hành vào tháng 9/2014, cũng không sử dụng. Hồ sơ nhập thuốc H-Capita của VN Pharma đã được cơ quan điều tra xác định là làm giả tài liệu giấy tờ của nhà sản xuất Helix.  

Ảnh: cancertocancel

Biệt dược gốc chứa hoạt chất hoạt chất capecitabine đang lưu hành trên thị trường. Ảnh: cancertocancel

Theo lãnh đạo các bệnh viện đầu ngành về điều trị ung thư, hiện có nhiều nhãn hiệu thuốc mang hoạt chất capecitabine trên thị trường. Dược chất này phổ biến, thiết yếu trong điều trị ung thư đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại trực tràng, ung thư tụy, đường mật...) và ung thư vú giai đoạn di căn. Hiện nay, biệt dược gốc capecitabine đã hết hạn độc quyền nên nhiều công ty dược được phép sản xuất thuốc này với các tên thương mại khác nhau.

Ví dụ, Bệnh viện Ung bướu TP HCM đang sử dụng ba loại thuốc có chứa hoạt chất capecitabine bao gồm một biệt dược gốc và hai loại thuốc generic tương đương sinh học với biệt dược gốc. Còn Bệnh viện Chợ Rẫy từ năm 2014 đến nay dùng 8 loại thuốc chứa capecitabine 500 mg. Trong các loại thuốc này, biệt dược gốc có giá đắt hơn với gần 67.000 đồng một viên và được dùng thường xuyên cho bệnh nhân. Còn lại, thuốc generic nhóm 1, 2, 3 do các công ty dược trong và ngoài nước sản xuất được sử dụng ngắt quãng phụ thuộc vào kết quả đấu thầu và cung cấp của nhà thầu, giá từ 12.500 đến 52.500 đồng một viên.

Công ty VN Pharma bị cơ quan điều tra xác định đã làm giả hồ sơ nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500 mg chữa ung thư từ nhà sản xuất Helix Pharmaceuticals Inc., Canada. Lô thuốc này được Cục Quản lý Dược cấp phép nhập khẩu cuối tháng 12/2013. Năm 2014 H-Capita trúng đầu thầu tại Sở Y tế TP HCM với giá 31.000 đồng một viên trong khi giá kế hoạch của Sở là 66.000 đồng. Nghi ngờ giá Capita sau kết quả đấu thầu, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp xác minh. Giám định của Bộ Y tế cho thấy lô thuốc này chứa 97% hoạt chất capecitabine kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, không sử dụng được cho người. Tài liệu từ nhà sản xuất Helix trong hồ sơ nhập khẩu Capita cũng được cơ quan điều tra xác định giả mạo. 

Vụ án được xét xử vào giữa tháng 8, cựu Chủ tịch VN Pharma Nguyễn Minh Hùng bị tòa tuyên 12 năm tù. Bộ Y tế ngày 29/8 khẳng định VN Pharma được cấp phép nhập khẩu lô Capita đúng quy định do có đầy đủ hồ sơ giấy tờ và các tài liệu được làm giả một cách tinh vi nên thời điểm ấy các chuyên viên của Bộ không thể nhận biết bằng mắt thường.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top