"Tôi bị ung thư. Hãy giúp tôi với", lời van vỉ của người phụ nữ mắc ung thư khiến bà Domminica Chua, chuyên viên tư vấn tại Trung tâm Ung thư PCC, Singapore, xúc động. Từng giúp hàng trăm bệnh nhân vượt qua nỗi đau bệnh tật, bà Chua nhìn nhận một trong những cú sốc lớn nhất của người bệnh là khi nghe bác sĩ thông báo họ bị ung thư. Nỗi sợ hãi, lo lắng, buồn bã khiến bệnh nhân cảm thấy tuyệt vọng và mất phương hướng, do vậy rất cần có người bên cạnh giúp họ lấy lại bình tĩnh.

Trong tình cảnh trên, bà Chua khuyên bệnh nhân ung thư nên thành thật với bản thân, hiểu được cảm giác của mình và những gì đang mong đợi, như thế sẽ giúp bạn kiểm soát tốt hơn những cảm xúc khó chịu trong lòng. "Đừng nản chí khi đối diện với những cảm xúc khó chịu ấy, bởi đó là điều rất bình thường. Hãy học cách nhận biết cảm xúc của bản thân và đối phó với chúng. Kiểm soát cảm xúc tốt sẽ giúp bạn đối phó hiệu quả hơn với phác đồ điều trị hàng ngày", bà Chua chia sẻ.

Bà Chua đúc kết ba trạng thái cảm xúc thường gặp của người bệnh ung thư và gợi ý cách kiểm soát chúng, như sau:

Cảm giác chối bỏ

Thông thường khi nhận thông báo mắc ung thư, hầu hết bệnh nhân đều không tin tưởng vào kết quả chẩn đoán. Cảm giác chối bỏ là cơ chế phản vệ tự nhiên giúp con người đối phó với thông tin quá khó chấp nhận. Đó là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu chối bỏ kéo dài có thể khiến bạn bỏ lỡ cơ hội điều trị hoặc ngăn cản thực hiện các hành động cần thiết để đối phó với bệnh tật.

"Sống bằng tinh thần sẵn sàng đón nhận sẽ giúp bạn tiến bước về phía trước và tập trung vào hành trình sắp tới. Cảm xúc chối bỏ và sốc thường biến mất dần khi bạn bắt đầu điều trị", bà Chua khuyên.

Lo sợ

Kết quả chẩn đoán ung thư chắc chắn sẽ khiến bệnh nhân lo sợ, bởi đây là căn bệnh hiểm nghèo đe dọa đến tính mạng. Bạn cần hiểu rằng cảm giác sợ hãi là điều tự nhiên, đặc biệt với những người bệnh bắt đầu liệu trình điều trị và không biết mình đang mong đợi điều gì.

Tuy nhiên, đừng để nỗi sợ kéo dài quá lâu bởi nó có thể khiến bạn bị suy nhược. Tốt nhất nên học cách nhận thức nỗi sợ hãi để giúp bạn kiểm soát cảm xúc và quản lý bệnh tật tốt hơn. Để làm được điều này, bạn nên:

- Tìm hiểu sự thật về ung thư và kế hoạch điều trị từ bác sĩ cùng y tá.

- Tin tưởng vào nhân viên y tế và xây dựng mối quan hệ tốt với họ. Điều này sẽ giúp bạn tự tin hơn và đảm bảo bạn được chăm sóc tốt.

- Tìm hiểu cách giải quyết nguyên nhân gây khó chịu về thể chất.

- Xử lý nỗi sợ hãi bằng cách nhờ sự giúp đỡ từ người tư vấn hoặc bác sĩ chuyên khoa tâm lý. Đừng quên tìm kiếm hỗ trợ từ người chăm sóc.

Tức giận

Trong hành trình chiến đấu với ung thư, bạn có thể cảm thấy tức giận với tình trạng của mình, với bản thân, gia đình, bạn bè và cả những người chăm sóc sức khỏe. Bạn cũng có thể tức giận với Chúa vốn là điểm tựa tâm linh mỗi khi gặp khó khăn. Đây là điều tự nhiên, bởi cơn giận dữ thường bắt nguồn từ những cảm xúc tiêu cực không dễ dàng thể hiện ra ngoài như lo lắng, sợ hãi, thất vọng, bất lực, tuyệt vọng.

Theo bà Chua: "Cơn giận có thể tốt cho bạn, thậm chí nó có thể khuyến khích bạn hành động. Tuy nhiên, cần xử lý đúng cách để nó đi đúng hướng". Để làm được điều đó, bạn nên:

- Đừng vờ như mọi việc đều ổn. Hãy thành thật với cảm xúc của mình, đừng chôn giấu trong lòng mà hãy trò chuyện với gia đình, bạn bè để vơi đi phần nào áp lực trong lòng.

- Trò chuyện với những người sống sót sau ung thư sẽ giúp bạn hiểu rằng có rất nhiều hoàn cảnh như mình, thậm chí còn tồi tệ hơn mình mà họ vẫn lạc quan sống tốt. Bạn có thể tìm những người này qua sách báo hoặc các nhóm hỗ trợ.

- Thực hiện các kỹ thuật thư giãn và tập luyện nhẹ nhàng như đi bộ, yoga và khí công.

- Nếu bạn nhận thấy mình đã giận dữ lâu, hãy nhờ bác sĩ giới thiệu đến gặp chuyên viên tư vấn.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top