Từ những năm 60 của thế kỷ trước, người Sài Gòn quanh khu vực phường Đa Kao đã biết đến hương vị cháo lòng của cô Ba. Xe cháo của cô nằm trên đường Nguyễn Huy Tự (quận 1), từ đó đến nay chỉ bán đúng ở địa chỉ này.
Đối với người sành ăn lúc ngán cơm, thèm cháo thì địa chỉ này luôn xuất hiện đầu tiên trong danh sách. Sau khi cô Ba qua đời, cô Hai (cháu ruột của cô Ba) tiếp quản quán cháo này.
Theo cô Hai, quán bán đến nay đã 47 năm. Ảnh: Phong Vinh. |
Không gian quán nằm gọn ở đầu lối đi vào một khu dân cư. Xe cháo đặt phía trước, chỗ ngồi của thực khách được xếp gọn hai bên lối. Khách đến quán sẽ ngồi trên ghế nhựa, ăn trên bàn inox.
Theo cô Hai, mỗi ngày, người trong gia đình sẽ đi chợ vào sáng sớm. Các công đoạn sơ chế sẽ bắt đầu ngay khi các nguyên liệu được mua về nhà. Lòng heo được xử lý kỹ, không chỉ dừng ở thao tác luộc đơn giản, mà còn chiên lên để dậy vị và tỏa mùi thơm. Hạt cháo được rang qua trước khi ninh cùng xương nên ngọt, nở bung mà không bị nát, có mùi thơm nức mũi.
“Linh hồn” của tô cháo lòng không thể thiếu đi món dồi. Theo công thức gia truyền, dồi được nhồi thăn heo mà không phải huyết kèm đậu phộng và rau thơm như thường thấy. Do vậy mà hương vị trở nên khác biệt so với các nơi khác.
Mỗi tô cháo ngoài được phục vụ với giò quẩy còn kèm theo một chén hành tím ngâm có vị chua ngọt. Khi thưởng thức bạn sẽ cảm nhận được độ giòn, ăn kèm với thịt rất vừa miệng. Thực khách cũng có thể cho thêm chút nước mắm nguyên chất vào để chấm.
Quán cháo nằm sát mặt đường. Video: Phong Vinh.
So với mặt bằng chung thì giá ở quán có phần nhỉnh hơn. Mỗi tô đầy đủ ăn tại chỗ hay mang đi đều có giá 40.000 đồng. Nhưng nếu quan sát và thưởng thức qua hương vị thì bạn khó mà chê địa chỉ này được.
Tô cháo lúc nào bưng ra cho khách cũng nóng hổi và đầy thịt bên trong. Người có sức ăn khỏe cũng no bụng với một tô cháo ở đây.
Nước mắm, chanh, ớt lúc nào cũng được chủ quán thêm vào lúc hết. Quán có sọt rác để vứt giấy ăn. Trà đá và các loại nước giải khát cũng được bán kèm cho người có nhu cầu.
Mỗi tô cháo có giá 40.000 đồng. Ảnh: Phong Vinh. |
Theo chị Nga, con gái cô Hai, quán mở cửa từ 13h30 mỗi ngày, trừ chủ nhật nhưng chưa đến giờ mở cửa thì khách đã tìm đến. “Có người ghé ăn trưa, cũng có người mua mang về cho bữa xế nhưng có hôm đến sớm quá nên phải đợi”, cô Hai kể lại.
Địa chỉ này còn biết đến với cái tên “cháo lòng cô Ba Đa Kao”. Dù qua nhiều đời chủ nhưng hương vị ngày xưa vẫn được người thân trong gia đình gìn giữ. Hương vị đã trải qua gần nửa thế kỷ này không chỉ là kế sinh nhai của gia đình mà còn để lại dấu ấn riêng trên bản đồ ẩm thực đất Sài thành.
Post a Comment