Nghành thời trang chưa bao giờ là một nghề nhàn hạ. Minh Thái lại là người khuyết tật, nên công việc hẳn sẽ gặp cản trở. Anh chia sẻ gì về điều này?
|
Thái chỉ có một tay để xoay sở khối lượng công việc của người bình thường đủ hai tay, thậm chí trong nghề này, người có "ba đầu sáu tay" chắc cũng còn cảm thấy vất vả. Sự khuyết thiếu cơ thể khiến khó khăn nhân đôi.
Chưa kể đâu xa, ngay cả việc nhỏ, như kéo khóa, buộc dây nơ, dây đai cho trang phục thôi, tôi cũng loay hoay một tay rất lâu. Dù vậy, tôi vẫn ít khi nhờ trợ lí làm giúp. Vì Thái là người kỹ tính, sản phẩm của mình phải tận tay chỉnh từng chi tiết mới yên tâm.
Những ngày đầu, việc may đồ thực sự là “cực hình” với Thái. Tôi phải dùng đến cả chân để giữ, kẻ vẽ chúng. Khi máy vải bằng máy may, tôi làm một tay chậm rề rề và may hỏng cả chục mét vải. Thời gian đầu mọi thứ đều chậm, khó và bất tiện, nhưng sau tập dần thành quen.
Nghề stylist không đơn thuần là việc kết hợp đồ sao cho đẹp mà còn yêu cầu lượng kiến thức phong phú về thời trang, con người. Cường độ cũng như khối lượng công việc cũng rất lớn. Nhiều khi tôi vẫn mắc phải sự cố trong công việc. Mỗi lần như vậy, Thái không đổ lỗ cho đôi tay một mất một còn của mình mà cảm thấy buồn vì bản thân chưa hoàn thành tốt.
Đầu tư cho nghề stylist cũng khá đắt đỏ. Vậy anh đã xoay xở như thế nào để tiếp tục theo đuổi đam mê này?
Việc cân bằng giữa đam mê và tiền bạc là chìa khóa để tạo bứt phá. Vì nếu thiếu một trong hai yếu tố trên, bạn khó có thể phát triển hay bám trụ lâu trong nghề. Thái không phải con nhà nòi về thời trang, cũng không dư giả về kinh tế nhưng niềm yêu thích may đồ, vẽ vời từ nhỏ luôn thôi thúc tôi bước chân vào con đường này.
Mỗi giai đoạn, tôi đều cố gắng tích góp, đầu tư hợp lý cho nghề và vạch ra hướng phát triển đúng đắn. Bên cạnh đó, Thái may mắn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ phần nào từ phía gia đình.
Nghề làm đẹp cho thiên hạ luôn đòi hỏi sự sáng tạo tối ưu. Vậy anh lấy cảm hứng ở đâu để phát triển những ý tưởng mới lạ?
-Tôi lấy cảm hứng trong chính cuộc sống thường nhật, từ những điều giản đơn như: Các cảnh vật, phố phường, con người. Có đôi lúc, ý tưởng chợt đến với tôi trước khi tôi tìm kiếm nó.
Ví dụ như năm 2015, Thái được bạn trẻ biết đến nhờ thiết kế áo họa tiết con công màu sắc. Thật ra trước đó, trong chuyến thực tập trên tỉnh vùng cao, tôi thấy các bạn dân tộc có những quả cầu bọc vải màu sặc sỡ rất đẹp, nên mới về tìm mua loại vải màu mè như thế để may thành đồ.
Có lẽ, màu sắc rực rỡ của họa tiết con công đã phá vỡ những khuôn mẫu màu sắc thông thường, nên được mọi người yêu mến và trở thành trào lưu thời trang của giới trẻ năm đó.
Tuy nhiên, không phải lúc nào ý tưởng cũng tình cờ xuất hiện. Nếu không ngừng học hỏi, trau dồi cảm nhận, thì ý tưởng cũng có nguy cơ cạn kiệt.
Được biết, Thái không chỉ thiết kế đồ cho người bình thường mà còn cho cả người khuyết tật. Vậy Thái dựa vào tiêu chí nào để tạo nên trang phục cho họ?
- Năm 2016 vừa rồi, Thái đã mang bộ sưu tập các thiết kế thời trang dành cho người khuyết tật của mình đến trình diễn tại chương trình của tổ chức thiện nguyện phi Chính phủ “Pearl in heart” (Ngọc trong tim) tại California, Mỹ .
Những thiết kế này đã được Thái ấp ủ rất lâu và thực hiện bằng sự đồng cảm với người khuyết tật cũng như niềm đam mê thời trang.
Thiết kế trang phục cho người có khiếm khuyết cơ thể khác hoàn toàn so với cho người thường. Vì mỗi người khuyết tật đều có hình thù cơ thể khác nhau, họ thiếu sót hoặc dị dạng các phần cơ thể theo mức độ từ nặng đến nhẹ. Nên mình phải đến tận nơi đo, nghiên cứu và thấu hiểu cơ thể họ, để thiết kế sao cho trang phục phù hợp tỷ lệ, cấu trúc cơ thể mỗi người.
Tiêu chí hàng đầu của trang phục là phải giúp người khuyết tật thoải mái trong từng cử động và làm họ thực sự tự tin vào hình thể bản thân.
Những thiết kế cho người khuyết tật của Minh Thái được trình diễn trong chương trình Hear My Voice tại Mỹ năm 2016 vừa qua. |
Người khuyết tật thường rất tự ti, e dè. Vậy làm thế nào để Thái thuyết phục được họ mở lòng?
-Là một người có khuyết tật bẩm sinh, Thái rất hiểu tâm lí của họ. Người khuyết tật rất sợ sự chê bai, giễu cợt của mọi người. Nhưng tận sau trong họ là nỗi khát khao muốn làm đẹp.
Chính vì thế, tôi mong muốn trang phục mình làm riêng cho người khuyết tật sẽ không chỉ là “trên áo dưới quần” mà còn phải là sự truyền cảm hứng, để họ biết rằng mình cũng đẹp và có quyền đẹp.
Thái tích cực trò chuyện, động viên và chia sẻ nhiều về thời trang với họ, giúp người khiếm khuyết mở lòng, tin vào Thái và vào chính họ hơn.
Thái có bao giờ gặp khách hàng kỹ tính, yêu cầu cao hoặc ngờ vực về năng lực của mình chưa?
- Đối với Thái, một stylist giỏi là người làm việc được với mọi khách hàng. Stylist không chỉ làm đẹp cho những người vốn đẹp hay người trẻ trung có form dáng chuẩn mà có thể làm đẹp cho bất kì ai, già trẻ béo gầy.
Tôi từng gặp rất nhiều vị khách khó tính hoặc không đặt nhiều lòng tin chỉ vì tôi là người khuyết tật. Nhưng qua đó, Thái ý thức được việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Thái tin rằng, các sản phẩm tốt nhất sẽ là câu trả lời thuyết phục các thượng đế.
"Tôi từng gặp rất nhiều vị khách khó tính hoặc không đặt nhiều lòng tin chỉ vì tôi là người khuyết tật". |
Một stylist trẻ như Thái hẳn đang ấp ủ nhiều hoài bão và dự định, anh có thể chia sẻ về điều này không?
-Với những stylist trẻ như tôi, việc phấn đấu phát triển một thương hiệu thời trang riêng là mục tiêu quan trọng nhất. Nhưng bên cạnh đó, Minh Thái luôn mong muốn tiếp tục cho ra đời những thiết kế dành riêng cho người khuyết tật.
Tôi hy vọng có thể trình diễn một bộ sưu tập thời trang mang tính thẩm mỹ và nhân văn cao này tại Việt Nam vào tương lai gần.
Cảm ơn Minh Thái đã dành thời gian trò chuyện!
Post a Comment