Bệnh nhân vừa được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM trong tình trạng nguy kịch do dùng thuốc trị tiểu đường không rõ nguồn gốc. Đó là cụ ông 80 tuổi mắc bệnh đái tháo đường đã nhiều năm. Người nhà cho biết trước đây sức khỏe và đường huyết của ông cụ rất ổn định, hàng ngày không cần dùng nhiều thuốc mà chỉ uống ít thảo dược. Loại thuốc này có dạng viên đựng trong bao nhựa không nhãn mác, được giới thiệu là có tác dụng hạ đường huyết, rẻ tiền, dễ mua mà không cần tái khám hằng tháng như phương pháp tiêm insulin.

ruoc-hoa-do-uong-thao-duoc-truyen-mieng-chua-tieu-duong

Cụ ông đang được theo dõi tại bệnh viện. Ảnh: TT.

Khi thăm khám cho ông cụ và làm một số xét nghiệm cơ bản, các bác sĩ ngạc nhiên vì bệnh nhân không hề có bất thường nào, chỉ số đường huyết cũng rất ổn định. Tuy nhiên người bệnh vẫn nôn ói nhiều và mệt lả sau mỗi lần nôn, bác sĩ chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm lâm sàng tổng quát. Kết quả sau đó cho thấy bệnh nhân bị suy thận cấp và toan máu nặng với pH = 6,8 (mức bình thường từ 7,35 đến 7,45). Tình trạng toan máu nặng thế này rất hiếm gặp, thường chỉ xảy ra ở người bị ngưng thở, ngưng tim từ rất lâu.

Xác định bệnh nhân bị suy thận rất nặng đe dọa tính mạng, các bác sĩ nhanh chóng vừa điều trị thuốc song song với lọc máu cấp cứu ngay. Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Viết Hậu, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, rất may bệnh nhân được chẩn đoán chính xác bệnh lý và cấp cứu kịp thời nên đã qua cơn nguy kịch. Cụ ông vẫn phải nằm viện để được chăm sóc tích cực với máy thở và lọc máu liên tục.

Sau các xét nghiệm phân tích thành phần chuyên sâu của loại thuốc mà ông cụ sử dụng, các bác sĩ khẳng định đây không phải thảo mộc dân gian đơn thuần mà chính là Phenformin, loại thuốc trị đái tháo đường nổi tiếng ở thập niên 50-70 của thế kỷ trước đã bị cấm lưu hành từ hơn 50 năm qua.

Phenformin là thuốc điều trị tiểu đường được Mỹ đưa vào thị trường năm 1957. Ban đầu thuốc được ưa chuộng vì tác dụng rất nhanh. Đến năm 1973 loại thuốc này bị cấm sản xuất và lưu hành vì được xác định là thủ phạm gây hàng loạt ca tử vong liên quan đến nhiễm axit lactic.

Bác sĩ Hậu khuyến cáo tình trạng nhiễm toan axit lactic rất dễ xảy ra khi người bệnh uống Phenformin kèm các thuốc giảm đau, kháng viêm trị đau nhức, lợi tiểu trị huyết áp cao, hay người mắc bệnh thận mạn tính do đái tháo đường lâu năm. Bệnh nhân uống Phenformin rất dễ bị tác dụng phụ và biến chứng gây tử vong, kể cả với những người còn rất trẻ. Đôi khi bệnh nhân diễn biến tử vong rất nhanh mà không tìm được nguyên nhân nên thường được nghi ngờ là bị đầu độc.

Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đã cấm lưu hành thuốc Phenformin. Tuy nhiên một số nơi sản xuất thuốc lậu đã trộn thành phần của Phenformin vào các viên thuốc đông dược không nhãn mác nên người bệnh dễ nhầm lẫn.

Bác sĩ Hậu khuyến cáo người bệnh đái tháo đường muốn điều trị bằng đông y hay tây y đều cần đến các cơ sở y tế có chuyên môn để được tư vấn điều trị và hướng dẫn sử dụng thuốc một cách khoa học. Không nên tự ý dùng các loại thuốc "truyền miệng", dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Trần Ngoan

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top