Theo WHO, trên thế giới có khoảng 20 triệu trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng, có ít nhất một triệu trẻ chết do suy dinh dưỡng nặng mỗi năm. Vào những năm 90, khi bắt đầu thực hiện các chương trình quốc gia về y tế, thì tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em vào khoảng 50%. Tỷ lệ này đã giảm nhanh, năm 2015 là 24,6%.

Việt Nam nằm trong 36 quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao trên thế giới. Theo số liệu của giám sát dinh dưỡng trong nhiều năm gần đây, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi, thể nhẹ cân là 14,5%, thể thấp còi 24,9%, thể gầy còm 6,8% và thừa cân béo phì 4,8%. Các nghiên cứu cho thấy có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ được cải thiện một cách chậm chạp, trong đó dinh dưỡng không hợp lý và chất lượng thực phẩm kém giữ vai trò then chốt.

Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Hàm, trường Đại học Y Thái Nguyên, cho biết suy dinh dưỡng là vấn đề nghiêm trọng trên toàn cầu. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở các vùng núi, vùng khó khăn, dân tộc thiểu số ở nước ta còn giảm chậm. 

Bác sĩ khuyến nghị các bà mẹ nên cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, sau đó bắt đầu ăn bổ sung và tiếp tục cho bú mẹ đến ít nhất 24 tháng tuổi. Ngoài việc phòng ngừa bệnh viêm nhiễm đường ruột, sữa mẹ cũng giúp tránh tử vong do tiêu chảy cho trẻ tới 1-2 tuổi.

Cai sữa sớm và cho bé ăn dặm để bé cứng cáp hơn là một quan điểm sai lầm nếu như các mẹ cho bé ăn dặm không đúng cách. Một số bà mẹ cai sữa sớm cho trẻ mà không bù đủ lượng dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhiều nhất. 

Bác sĩ khuyên khi con tăng trưởng không khỏe mạnh, bố mẹ nên tham vấn bác sĩ để xác định con mình có bị thiếu dinh dưỡng hay suy dinh dưỡng không, từ đó áp dụng biện pháp can thiệp phù hợp. Tình trạng tăng trưởng kém kéo dài có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh, sức khỏe suy giảm và năng suất kém trong suốt cuộc đời.

Lê Nga

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top