Công bố tại hội thảo phòng chống ung thư ngày 30/11, kết quả khảo sát của Bệnh viện Ung bướu TP HCM về bệnh nhân ung thư thành phố trong 20 năm từ 1995 đến 2014, ghi nhận hơn 120.000 ca. Tỷ lệ mắc bệnh thô là 95,3 trên 100.000 dân ở nam và 101,1/100.000 dân ở nữ.
Tuổi trung bình của người Sài Gòn khi mắc bệnh ung thư là 55, trẻ hơn tuổi trung bình bị ung thư ở các nước đã phát triển như Mỹ (64 tuổi). Tuy nhiên trong 20 năm nghiên cứu thì tuổi mắc bệnh trung bình của TP HCM không thay đổi, trong khi đó các bệnh ung thư thường gặp thay đổi theo lứa tuổi. Ở lứa tuổi từ 40 trở lên, nam giới thường bị ung thư phổi, gan, đại trực tràng, dạ dày, đầu cổ. Ở nữ giới hay gặp ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng, phổi, tuyến giáp.
Tiến sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết số bệnh nhân ung thư tại Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng tiếp tục gia tăng. Xuất độ ung thư tại TP HCM tăng từ 8,8 đến 9,9% so với 5% của những năm trước. Số lượng bệnh nhân điều trị ở Bệnh viện Ung bướu tăng khoảng 10% mỗi năm. Chi phí chẩn đoán và điều trị ung thư là gánh nặng cho bệnh nhân, gia đình và xã hội.
Bệnh nhân khám bệnh tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM. Ảnh: Lê Phương. |
Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam khuyến cáo, từ tuổi 40 trở lên ở cả hai giới nam nữ có sự gia tăng tỷ lệ bệnh ung thư nên cần tầm soát các bệnh ung thư phổ biến. Hiện nay các kỹ thuật tầm soát, chẩn đoán, điều trị ung thư Việt Nam đã cập nhật mới nhất trên thế giới, tiến tới điều trị cá thể hóa. Bệnh nhân mắc các loại ung thư thường gặp nếu trước đây 60-70% phát hiện khi ở giai đoạn trễ thì hiện nay chỉ khoảng 40%.
Ung thư có thể được xem là bệnh liên quan đến tuổi vì tỷ lệ mắc tăng theo tuổi tác, tăng nhanh hơn khi vào ở tuổi trung niên. Tuổi thọ của người dân Việt Nam đã tăng lên đáng kể trong thế kỷ qua. Tổng số các loại ung thư được dự báo sẽ tăng khoảng 45% trong khoảng thời gian 2010-2030, chủ yếu bởi số lượng người lớn tuổi ngày càng tăng.
Tế bào ung thư xuất hiện di căn trong cơ thể như thế nào
Sự phổ biến của một số bệnh mãn tính như béo phì, tiểu đường có xu hướng gia tăng trong độ tuổi trung niên liên quan đến tăng nguy cơ ung thư. Nhiễm trùng mãn tính siêu vi viêm gan B hoặc C, siêu vi lây truyền qua đường tình dục như HIV, HPV... cũng làm tăng nguy cơ ung thư. Việc hút thuốc lá, tiêu thụ quá mức rượu bia, chế độ ăn uống kém lành mạnh, lối sống ít vận động, các chất sinh ung trong môi trường cũng khiến tỷ lệ bệnh tăng cao.
Post a Comment