Là một blogger du lịch sống tại TP HCM, Thiết Nguyễn từng đặt chân tới rất nhiều nơi như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Ai Cập...
"Dường như mỗi lần đi du lịch đến những nước cần phải xin visa nhập cảnh là một nỗi ám ảnh, đặc biệt là đối với anh chị em freelancer - làm việc tự do như mình, bởi những yêu cầu cơ bản nhất đó chính là hợp đồng lao động và giấy xin nghỉ phép", Thiết chia sẻ.
Thiết Nguyễn đã hoàn thành chuyến khám phá Tokyo - Kyoto - Osaka (Nhật Bản) đầu tháng 4 vừa rồi. Ảnh: nvcc. |
Dưới đây là những lưu ý giúp anh xin visa du lịch Nhật Bản thành công để thực hiện chuyến săn hoa anh đào mới đây:
Chứng minh tài chính
Sổ tiết kiệm ngân hàng: đến những nước phát triển như Nhật Bản thì tài khoản tiết kiệm khoảng 200 triệu đồng trở lên và cần được gửi trước đó 3 tháng hoặc hơn (có nhiều người làm sổ tiết kiệm khoảng 100 triệu đồng vẫn được, nhưng vì hồ sơ của Thiết không mạnh nên phải làm phần tài chính mạnh hơn).
Bạn đến ngân hàng yêu cầu họ làm giúp mình xác minh số dư sổ tiết kiệm để làm visa đi Nhật Bản, kèm sao kê tài khoản giao dịch trong 3 tháng gần nhất (để chứng minh thu nhập và thu chi). Các giấy tờ này đều cần có dấu đỏ của ngân hàng.
Chứng minh công việc và thu nhập cá nhân
Vì là dân freelancer thường làm các dự án ngắn hạn, bạn hãy tập hợp tất cả loại hợp đồng công việc, hợp tác, tài trợ… có thể hiện số tiền càng nhiều càng tốt. Các giấy tờ đó đem photocopy sắp xếp thành tập cho vào hồ sơ xin visa.
Nêu rõ mục đích chuyến đi (lịch trình cụ thể và thuộc nó)
Bạn chuẩn bị một bản lịch trình cụ thể cho chuyến đi của mình gồm các mục: thứ tự, điểm đến, thời gian và mục đích. Bạn cũng có thể tìm mẫu lịch trình du lịch để điền.
Khi nộp hồ sơ xin visa bạn có thể được hỏi các câu như: "Bạn đi đâu tại Nhật Bản?", "Bạn làm gì ở đó?", "Bạn đi trong bao nhiêu ngày?", "Bạn ở khách sạn nào, địa chỉ ở đâu?", "Cách di chuyển từ khách sạn đến điểm A, B, C trong lịch trình như thế nào?"...
Vé máy bay khứ hồi đi Nhật Bản bạn có thể lên các website bán vé để đặt trước, chọn thanh toán sau để có thể in phần xác nhận đặt vé ra kẹp vào hồ sơ xin visa. Bạn có thể làm tương tự với phần đặt phòng khách sạn. Ngoài ra, bạn kèm một số thứ khác để chứng minh được mục đích chuyến đi của mình tuỳ theo mỗi người: sách, ứng dụng, bản nghiên cứu….
Ngã tư Shibuya - giao lộ đông đúc nhất thế giới ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Thiết Nguyễn. |
Chuẩn bị hồ sơ cá nhân và thư
Đây là phần đặc biệt quan trọng đối với freelancer. Hồ sơ cá nhân cần thể hiện đầy đủ thông tin cá nhân, các dự án đã làm, hình ảnh đại diện, link dẫn thể hiện các dự án đó trên các website, Facebook, Youtube…
Về bức thư bạn cần viết rõ mình là ai, làm gì ở Việt Nam, rất mong muốn được đến Nhật để du lịch. Nếu đi nhóm nên nộp chung để tiết kiệm thời gian chờ.
Một điều không thể thiếu là điền vào mẫu đơn xin visa có sẵn trên website của Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP HCM.
Lưu ý: Bạn hãy tới thật sớm để xếp hàng nộp hồ sơ visa. Thời gian xin visa từ 8h30 đến 11h30 từ thứ 2 đến thứ 6. Khi nhận kết quả xin visa bạn nhớ mang sẵn 610.000 đồng để đóng phí đậu visa.
Ảnh: Chuyến khám phá Nhật Bản của blogger du lịch Thiết Nguyễn
Thiết Nguyễn
Post a Comment