Dâu tây là một trong những loại trái cây dễ ăn đối với nhiều lứa tuổi, lại dễ trồng, chăm sóc và kinh doanh với những người nông dân. Tuy nhiên, theo thống kê của Tổ chức hoat động vì môi trường EWG (Enviromental Working Group), kể từ 2016, đây là năm thứ 3 liên tiếp dâu tây đứng đầu danh sách 12 loại rau củ quả độc hại nhất.
“Danh sách đen” 12 loại rau củ quả độc hại nhất
Kể từ năm 2004, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã tiến hành những hoạt động nhằm hạn chế tối đa tình trạng thực phẩm bẩn cho người dân. Tiêu biểu nhất là nước này giao phó cho Tổ chức EWG quyền thực hiện những cuộc kiểm tra và thử nghiệm để xác định danh sách những loại thực phẩm, rau củ quả chứa lượng thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại quá mức cho phép trong số 47 loại rau củ quả được sử dụng phổ biến nhất.
3 năm liền, dâu tây đứng đầu danh sách 12 loại rau củ quả chứa nhiều thuốc trừ sâu nhất.
Theo kiểm tra trên 38.800 mẫu thì 98% mẫu dâu tây kiểm nghiệm chứa 22 dư lượng thuốc trừ sâu khác nhau bao gồm chất diệt côn trùng, thuốc trừ cỏ, thuốc bào vệ thực vật,… Một số hóa chất tương đối lành tính, các loại khác có thể làm tăng nguy cơ ung thư, gây vô sinh, rối loạn nội tiết tố và các vấn đề về thần kinh.
Ngoài dâu tây đứng đầu danh sách, các loại rau củ quả khác như rau bina, quả xuân đào, táo, nho, đào, quả anh đào, quả lê, cà chua, cần tây, khoai tây và ớt chuông ngọt,… qua kiểm tra cũng cho thấy kết quả dương tính với ít nhất 1 loại thuốc trừ sâu. Trong đó, rau bina – được nhiều gia đình sử dụng trong các bữa ăn có dư lượng thuốc trừ sâu gấp 1,8 lần so với các loại rau củ khác.
Những loại rau củ quả khác như rau bina, táo, nho,... cũng được kiểm nghiệm chứa nhiều hóa chất độc hại.
Đáng báo động, năm nay không chỉ có 12 loại rau củ quả được phát hiện nhiễm nhiều hóa chất, mà Tổ chức hoạt động vì môi trường buộc phải xếp quả ớt là loại rau củ quả thứ 13 trong “danh sách đen” này. Trong hầu hết các mẫu vật ớt thu được đều phát hiện là có chứa chất diệt côn trùng gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh của con người. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của loại chất này có thể giám bớt khi ớt được nấu chín.
Tổ chức này cũng cảnh báo thêm rằng một lượng nhỏ ngô ngọt, đu đủ và bí đỏ được sản xuất từ hạt giống biến đổi gen, có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Những ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe
Không thể lường trước được những ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe do thuốc trừ sâu và hóa chất gây nên nếu hàng ngày sử dụng và ăn những loại thực phẩm, rau củ quả độc hại kia, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.
Ngoài ra, những loại rau củ quả biến đổi gen như ngô ngọt, bí đỏ,...được bày bán nhiều vào mùa hè cũng ảnh hưởng đến sức khỏe nếu sử dụng quá nhiều.
Nghiên cứu cho thấy thuốc trừ sâu có thể gây ra những biến chứng về sức khoẻ mãn tính ở trẻ em, bao gồm các vấn đề về thần kinh, gây dị tật bẩm sinh, hen suyễn, và thậm chí là ung thư. Việc trẻ tiếp xúc với thuốc trừ sâu sớm qua người mẹ trong khi mang thai cũng vô cùng có hại, gây ra những biến chứng, dị tật cho bé khi sinh.
Cách xử lý rau củ quả khi mua về
Thay vì sử dụng luôn sau khi mua về, hãy làm theo khuyến cáo của các nhà khoa học, rửa rau củ quả trong nước sạch ít nhất là trong vòng 30 giây. Đây là cách đơn giản nhất giúp chị em loại bỏ phần nào dư lượng hóa chất độc hại có trong thực phẩm của gia đình. Tuy nhiên, đừng nên lạm dụng các loại nước rửa rau củ được quảng cáo đầy rẫy trên thị trường, thực tế chúng không hề có tác dụng hơn rửa nước sạch thông thường.
Hãy rửa sạch rau củ quả trước khi ăn.
Tốt nhất là ngâm trong nước muối loãng hoặc dung dịch nước sạch pha với soda để loại bỏ hóa chất.
Nếu có thời gian, tốt nhất bạn nên ngâm rau củ quả trong nước sạch pha với một ít soda, dung dịch này sẽ góp phần loại bỏ đáng kể thuốc trừ sâu, chất độc hại. Khi sử dụng, nên gọt bỏ phần vỏ trái cây bởi đây là bộ phận được cho là chứa nhiều thuốc trừ sâu nhất, lựa chọn mua rau củ quả ở những nơi uy tín, chất lượng, có thể tìm đến những cửa hàng rau sạch, rau hữu cơ,…
Bên cạnh đó, chị em cũng có thể lựa chọn mua 15 loại loại rau củ quả được kiểm nghiệm là chứa ít thuốc trừ sâu hoặc ở mức cho phép như bơ, xoài, kiwi, dứa, ngô ngọt, đậu Hà Lan đông lạnh, đu đủ, cải bắp, măng tây, cà tím, dưa mật, dưa ruột vàng, súp lơ trắng, súp lơ xanh, hành tây. |
Post a Comment