Bệnh nhân 63 tuổi, được đưa vào Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E cấp cứu hôm 9/4. Bà Zhou Yao Min đang đi du lịch tại Việt Nam ngày đầu tiên. Theo người nhà, khi ở Trung Quốc, bệnh nhân đã được chẩn đoán có bệnh lý tim mạch nhưng chưa điều trị. Rạng sáng 9/4, bà có biểu hiện đau ngực trái nhưng vẫn cố chịu đựng. Đến sáng, do di chuyển nhiều, cơn đau ngực trái xuất hiện nhiều hơn, người bệnh vã mồ hôi, khó thở nên ngay lập tức được đưa vào viện cấp cứu.
[Sau một ngày được can thiệp, bệnh nhân người Trung Quốc đã có thể xuất viện. |
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau ngực trái điển hình, khó thở, các chỉ số huyết áp giảm, nhịp không đều...; được chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết. Nhận định bệnh nhân có thể bị hoại tử cơ tim do tắc nhánh động mạch vành có diện tưới máu rộng, các bác sĩ chỉ định làm siêu âm tim. Bệnh nhân có hiện tượng giảm co bóp thành sau dưới thất trái, chức năng tâm thu thất trái giảm nặng.
Các bác sĩ chẩn đoán bà Min bị nhồi máu cơ tim cấp và chỉ định chụp động mạch vành và can thiệp cấp cứu. Kết quả, bà bị tắc động mạch vành mũ (LCx), hẹp phức tạp hai nhánh LAD và RCA. Xác định đây là ca bệnh khó, nặng và phức tạp, cần được can thiệp sớm nên chỉ sau 30 phút kể từ khi vào viện, bệnh nhân đã được đưa vào phòng mổ can thiệp.
Thạc sĩ Lý Đức Ngọc, Phó trưởng khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E cho biết, các bác sĩ đã đặt một sent động mạch vành vào phần tắc của động mạch vành mũ bệnh nhân. Việc tái thông động mạch vành giúp quả tim của bệnh nhân hoạt động bình thường trở lại. Khó khăn lớn nhất là giải thích cho bệnh nhân hiểu được mức độ nguy hiểm của bệnh để được can thiệp kịp thời vì rào cản ngôn ngữ.
Sau can thiệp, hiện bệnh nhân có thể tự thở được, tỉnh và nói chuyện với mọi người xung quanh, không còn đau ngực, mạch, huyết áp ổn định.
Theo tiến sĩ Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E, bệnh nhân được cấp cứu trong giờ đau ngực thứ 4, vẫn nằm trong ngưỡng thời gian “vàng” để cứu sống tim. Chỉ cần chậm vài giờ nữa, bệnh nhân đối mặt với nguy cơ hoại tử cơ tim, thậm chí có thể tử vong. Đặc biệt là khi bệnh nhân đã có rối loạn huyết động thì khả năng hồi phục của các cơ quan quan trọng như não, tim, thận rất khó khăn.
Bác sĩ khuyến cáo, người có tiền sử mắc các bệnh lý về tim mạch, đi du lịch xa cần chú ý kiểm tra sức khỏe trước khi đi. Nếu bệnh tình ở thể nhẹ thì cần có sự theo dõi sát sao, tuyệt đối không tự ý uống thuốc không rõ nguồn gốc và tác dụng. Nếu bệnh nặng thì phải được can thiệp, điều trị triệt để, tránh tình trạng biến chứng nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong.
Chuyến du lịch xa làm thay đổi môi trường sống, thói quen sinh hoạt, cộng thêm việc di chuyển nhiều… ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Bệnh lý tim mạch sẽ trở nên trầm trọng, làm tăng nguy cơ biến chứng cấp tính, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Post a Comment