Chị Dung, 38 tuổi, Linh Đàm (Hà Nội) mua nhà trong điều kiện chị đơn thân nuôi con, tiền tiết kiệm chỉ 120 triệu đồng. Làm công, ăn lương với mức lương hơn 16 triệu mỗi tháng, nên chị đã lên kế hoạch tỉ mỉ, thực hiện từng bước một.
Tháng 8/2012, tôi 32 tuổi bước ra khỏi cuộc hôn nhân đổ vỡ. Thú thật, lúc ấy tôi chẳng hiểu mình làm vậy đúng hay sai, cuộc đời sau này nở hoa hay địa ngục, chỉ hiểu từ giờ trở đi cuộc đời tôi và con gái đã sang trang khác, sướng khổ do tôi tự làm, tự chịu. Ngày ra đi tôi có 10 triệu trong tài khoản. Còn lương tháng thì được 16 triệu đồng, đủ để hai mẹ con sinh sống.
Căn nhà tôi thuê đầu tiên được bạn thân cho ở nhờ trong căn phòng còn thừa lại của công ty bạn ấy. Được hơn một năm căn nhà bị đòi lại.
Căn nhà thuê thứ 2 thoáng mát nhưng gần cánh đồng cũng hơi sợ. Ở được một thời gian thì hàng xóm sửa nhà, thợ làm vô ý thức thi thoảng ném vỏ chai, rác xuống mái nhà tôi. Trong khi căn nhà thấp tè, lợp tấm fibro xi măng nên mỗi lần bị ném rác như sấm đụng trên đầu. Có lần nhà bên đó quên tắt van nước, thế là nước từ cao xuống tràn hết xuống căn nhà cấp 4 tôi thuê, lênh láng từ trong ra ngoài. Tôi nản quá, lại chuyển nhà, trước lúc đi vẫn kịp phát hiện ra tổ mối to đùng, toàn bộ gác xép bị mối xông rồi.
Lần thứ 3 tôi chuyển đến một dãy nhà gồm 5-7 phòng nhỏ tiện nghi khép kín, tôi chỉ thuê một phòng. Nhà quá ẩm mốc nên hai mẹ con tôi tuy ở tầng 2 rồi mà vẫn mắc viêm tai mũi họng tái đi tái lại.
Một góc trong ngôi nhà 46m2 của hai mẹ con chị Dung. Ảnh: NVCC. |
Ốm đau, máy giặt bị dùng chùa, điện nước quá đắt, chỗ để xe bị chiếm phải tốn tiền gửi chỗ khác..., quá chán với cuộc sống thuê trọ, tôi quyết định mua nhà khi trong tay chỉ có 120 triệu đồng tiết kiệm, giữa năm 2015.
Tôi bắt đầu lên kế hoạch, khoanh vùng khu vực muốn tìm, lựa số tiền mình có khả năng vay mượn. Tôi tính tìm mua căn nhà dưới 20m2 hoặc một căn nhà nhỏ xíu nào đó may mắn có sổ đỏ, trị giá chừng 750- 800 triệu đồng thôi, thế chấp chính sổ đỏ đó cho ngân hàng để có thể được vay 300 hoặc 400 triệu đồng, trả lãi hàng tháng trừ lương. Khoản tiền mặt cần thiết tôi sẽ hỏi mượn bạn bè họ hàng rồi trả dần.
Thời buổi này tầm trên dưới một tỷ đồng còn khó, nói gì đến nhà 700 hay 800 triệu đồng mà ở nổi. Đến bố mẹ tôi cũng thấy khó tin khi tôi bàn. Nhưng tôi cố chấp, quyết tâm làm gì sẽ cố gắng làm cho bằng được. Tôi nhớ mãi có lần vào buổi tối đầu mùa hè, rủ được cô bạn đi xem một căn thấy đề giá hơn 400 triệu đồng, nhưng lúc đến thì thấy nhà không có sổ đỏ, chỉ có giấy mua bán viết tay và của phường chứng nhận. Sau đó, tới xem một căn khác quảng cáo 16m2 nhưng tới nơi thì diện tích chừng 8m2, chồng 2 tầng là 16m2, mà tiền cũng 880 triệu.
Run rủi thế nào tôi đọc được mẩu tin nhà chung cư xã hội dưới Linh Đàm khoảng hơn 800 triệu. Căn hộ có diện tích hơn 47m2 cả tường. Đúng thời điểm này, tôi may mắn được làm thủ tục vay hỗ trợ từ gói 30 nghìn tỷ. Số tiền ngân hàng cho vay là 416 triệu, cả gốc và lãi phải trả hàng tháng khoảng 5,5 triệu đồng, trả nợ dần trong 10 năm.
Đến lúc này tôi để dành thêm, được tổng 150 triệu, sẽ phải đi vay ngoài 266 triệu nữa. Bố mẹ hỏi chuyện rồi tuyên bố sẽ cho tôi 100 triệu. Vợ chồng em trai đồng ý cho vay 100 triệu, dì cho vay 50 triệu đồng, còn cô bạn thân cho tôi vay 15 triệu đồng nữa. Ơn trời, đủ tiền rồi. Mua nhà và sang tên thôi.
Ngày lên làm hợp đồng, tôi hớt hải lên xuống bỏ mặc công việc, bị sếp mắng nhưng bụng vẫn mở cờ. Tôi thành chủ nhà rồi, chờ 6 tháng nữa nhận nhà thôi. Năm đó tôi 35 tuổi, đang trong hạn Tam tai và sao Thái Bạch gì đó và tôi thì mua nhà vào tháng 7 âm lịch. Ngôi nhà tôi có sau đúng 3 năm ly hôn.
Chị Dung vừa cải tạo căn nhà thành 2 phòng ngủ để con gái có một phòng riêng. Ảnh: NVCC. |
Mua được nhà rồi thì phải lo làm nội thất. Lúc ấy tôi chẳng có tiền nhiều, nên xác định chỉ làm những gì cơ bản. Tôi đọc, lọc thông tin rồi lựa lấy một nick Facebook có vẻ tử tế, hay trả lời các thắc mắc của dân cư. Tuy nhiên, lúc thuê phải người này tôi mới biết chưa chắc những người nhiệt tình trả lời khách đã là người làm được việc trên thực tế.
Anh chàng làm nội thất là kiểu người "nói như rồng leo, làm như mèo mửa". Nhận nhà sau 2 tuần còn chưa lắp nổi cái cửa sắt, nói gì đến hạng mục khác. Sau, tôi phải chuyển sang cho một cai thầu nội thất khác, bạn này làm nhanh nhẹn hơn. Hai tuần sau tôi có nhà để ở rồi. Vì không đòi được tiền cọc với cậu làm trước, nên tủ bếp bình thường chỉ khoảng 12-15 triệu tôi phải trả 25 triệu. Sàn gỗ có thể chỉ phải trả 10 hoặc 12 triệu, tôi bị vặt khoảng 15 triệu. Trả xong nội thất hết 42,5 triệu, tôi không còn xu dính túi.
Bài học tôi rút ra là: Nếu mua nhà chung cư, hãy mạnh dạn đến gặp 2-3 chỗ làm nội thất, thấy tin tưởng và có thể làm việc được với bên nào thì hãy tiến tới, giá cả nên tham khảo rồi chọn tầm giá vừa phải.
Ngày tôi chuyển đến ở, mọi người đều mừng cho mẹ con tôi. Tôi cứ gạch đầu dòng những gì còn thiếu rồi mua bổ sung thêm dần. Từ lắp thêm giá để đồ ban công, mua thêm bộ nồi, xin được chục bát. Bố mẹ lại cho tôi tiền mua tủ lạnh và một cái điều hoà. Mỗi ngày tôi chăm lo thêm từng thứ cho căn nhà thêm đẹp, thêm ấm.
Cho tới hôm nay, khi ngồi gõ lại những dòng này tôi đã trả được gần hết nợ của người nhà, tiền nợ của ngân hàng còn hơn 300 triệu. Nhưng tôi vui lắm. Năm nay tôi lại cải tạo nhà, chuyển bếp cũ ra chỗ khác để làm thêm phòng ngủ nhỏ cho con gái bằng gỗ thông tự nhiên, sàn phòng nhỏ được nâng lên 40 cm vừa làm giường cho con ở trên, vừa làm được kho ở dưới. Thành ra nhà tôi giờ có 2 phòng ngủ và có cả kho chứa đồ hẳn hoi.
Chia sẻ hành trình mua ngôi nhà đầu tiên, những kỷ niệm buồn vui, những nỗ lực, kinh nghiệm của bạn tại đây
Dung
Post a Comment