Chia sẻ với VnExpress.net, tiến sĩ Trần Hồng Côn, giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ruột pin chủ yếu là mangan dioxit. Chất này có tính oxy hóa khử cao. Khi pha cà phê có trộn pin với đường và nước nóng, mangan dioxit sẽ chuyển thành dạng ion là Mn2+, nhanh chóng xâm nhập vào máu. Người uống phải lượng lớn mangan này sẽ bị ảnh hưởng đến hệ thần kinh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nồng độ tiêu chuẩn tối đa cho phép của Mn trong nước là 0,4mg/l. Ở Việt Nam theo QCVN 01: 2009/BYT thì nồng độ tiêu chuẩn tối đa cho phép của Mn trong nước là 0,3mg/l. "Mangan là một trong nhiều nguyên tố vi lượng cần thiết cho con người với nồng độ thấp. Tuy nhiên khi nồng độ mangan quá cao sẽ gây ra các tác hại tiêu cực gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu hàm lượng Mn cao vượt quá 0,5 mg/l ảnh hưởng đến một số cơ quan nội tạng của cơ thể, nhất là gan", ông Côn nói.

Hàng chục tấn cà phê bẩn sắp được bán ra thị trường bị phát hiện. Ảnh: Kh. Uyên

Hàng chục tấn cà phê bẩn sắp được bán ra thị trường bị phát hiện. Ảnh: Kh. Uyên

Theo chuyên gia này, khi gan không đào thải được lượng mangan quá tải, người uống sẽ gặp số triệu chứng tương tự bệnh Parkinson, nhẹ thì đau đầu, buồn ngủ nhưng không ngủ được, nặng thì mất trí nhớ, nói ngọng, giảm khả năng vận động, đi lại không vững... Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, cơ tim, động mạnh vành, động mạch chủ, gây tổn thương gan, thận...

Đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất chính là trẻ nhỏ. Hấp thu nhiều mangan mà chỉ thải ra rất ít nên sự tích tụ mangan trong cơ thể trẻ nhỏ là rất nguy hiểm. Cho nên các chuyên gia y tế khuyến cáo tuyệt đối không để phụ nữ trong giai đoạn mang thai và trẻ nhỏ tiếp xúc với nguồn nước nhiễm mangan. 

Ngày 16/4, Cảnh sát Môi trường tỉnh Đăk Nông phối hợp cùng Thanh tra Sở Nông nghiệp kiểm tra cơ sở chế biến cà phê bột của bà Nguyễn Thị Loan ở xã Đăk Wer, huyện Đăk R'lâp, bắt quả tang nơi đây đang pha trộn tạp chất vào cà phê.

Cơ sở này hoạt động nhiều năm nay. Hàng ngày chủ cơ sở cho người đi thu mua các loại cà phê thải, phế phẩm vỏ cà phê… Sau đó, công nhân dùng chất bột màu đen của pin hòa với nước rồi nhuộm với cà phê. Số cà phê này được rang, xay rồi đóng gói bán ra thị trường. Trong hơn ba tháng đầu năm nay, cơ sở này đã bán ra thị trường hơn 3 tấn cà phê trộn pin. 

Lê Nga

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top