Thông tư 15 quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng vừa được Bộ Y tế ban hành giữa tháng 6. Ngay sau đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có công văn gửi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu một số điểm bất cập trong thông tư. Ngày 29/6, Bộ Y tế gặp gỡ báo chí, giải thích một số điểm bị Bảo hiểm Xã hội cho là chưa hợp lý. 

Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Y tế đã không tiếp thu ý kiến đóng góp của cơ quan này khi xây dựng thông tư. Cụ thể, cơ quan này cho rằng thông tư mới đưa ra định mức kinh tế - kỹ thuật để tính giá chưa sát với thực tế, chủ yếu xây dựng dựa trên kết quả khảo sát của các bệnh viện tuyến trên. Điều này dẫn tới tình trạng nhiều cơ sở đề nghị thanh toán vật tư y tế lớn hơn số thực tế dùng.

Cơ quan này dẫn ví dụ mức giá cho một lần nội soi tai mũi hiện nay 203.000 đồng, song thực tế chỉ xấp xỉ 50%. Thông tư 15 đã điều chỉnh theo mức giá thực tế này.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính.

Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, ông Nguyễn Nam Liên cho rằng không có chuyện lấy định mức của tuyến viện trung ương làm định mức cho tuyến dưới. Bộ Y tế đã khảo sát thực tế tại khoảng 30 bệnh viện, tổng hợp báo cáo của 4 bệnh viện hạng đặc biệt cùng hàng trăm bệnh viện các hạng khác nhau.

Chẳng hạn, giá khám bệnh, ngày giường xây dựng theo các loại định mức kinh tế kỹ thuật cho các hạng bệnh viện. Riêng giá các dịch vụ kỹ thuật, Bộ Y tế thừa nhận có bệnh viện thực tế sử dụng thấp hơn hoặc cao hơn định mức bình quân chung. Tuy nhiên, để khuyến khích tuyến dưới thực hiện và người dân không phải vượt tuyến, liên Bộ thống nhất mức giá của các bệnh viện là như nhau theo hạng.

Ngoài ra, Bảo hiểm Xã Hội Việt Nam cho rằng thông tư mới giảm giá khám bệnh nhưng lại tăng định mức. Theo đó mỗi bàn khám đến 65 lượt bệnh nhân trong một ngày, bảo hiểm vẫn thanh toán 100%, trong khi trước đây chỉ 35 lượt. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh.

Ông Nam Liên thừa nhận trước đây Bộ Y tế kỳ vọng xây dựng định mức số lượng bệnh nhân trên một bàn khám khoảng 35 người. Tuy nhiên sau một thời gian thực hiện, lượt khám tại tuyến huyện và tỉnh tăng lên, trung bình 40-45 người.

“Không thể yêu cầu người bệnh đến khám ra về chờ ngày mai quay lại, trong khi đó các bệnh viện không thể ngay lập tức mở thêm bàn khám, cử thêm bác sĩ khám nên Bộ đề xuất con số 65. Đây là mức tối đa để thanh toán”, ông Nam Liên giải thích.

Bộ Y tế khẳng định “không có chuyện Bộ dùng giá cao gấp 100 lần để xây dựng giá dịch vụ y tế”. Các mức giá cao hơn, thấp hơn đều đã được loại trừ khi tính mức giá trung bình.

Theo ông Nam Liên, lần điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này chủ yếu theo hướng giảm nên chi trả của người bệnh giảm. Quy định mới làm tăng chi từ quỹ Bảo hiểm Y tế nhưng lại giảm chi từ ngân sách cấp cho các bệnh viện. Cụ thể, tính riêng 35 bệnh viện trực thuộc Bộ đã giảm hơn 20.000 người hưởng lương từ ngân sách, tương ứng khoảng 1.900 tỷ đồng một năm. Thống kê chưa đầy đủ của 45 tỉnh thành, so với năm 2016, ngân sách cấp cho các bệnh viện năm 2017 giảm gần 5.000 tỷ đồng, năm nay ước giảm hơn 7.000 tỷ đồng.

Mức giá dịch vụ y tế hiện được xây dựng gồm chi phí trực tiếp và tiền lương, chưa tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản.

Nam Phương

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top