'Tôi thầm nghĩ khi về đến nhà, công lý nhất quyết sẽ được thực thi... Thế nhưng khi xâu chuỗi mọi việc, tôi quyết định không nói gì về chuyện này nữa'.
Câu chuyện về cách xử lý bình tĩnh của một người cha khi con mình làm vỡ đồ được đăng tải trên trang Brightside đang được nhiều bậc phụ huynh chia sẻ:
"Trưa hôm qua, con trai gọi điện cho tôi và nói bằng một giọng khẩn thiết: “Bố ơi, chúng con vừa vô ý làm vỡ ống kính máy ảnh của bố, nhưng con thề là do con mèo làm!”.
Ôi trời, tự dưng làm sao mà con mèo lại làm vỡ ống kính được chứ? Cái ống kính ấy được đặt trên bục cửa sổ - nơi mà tôi cho là an toàn nhất, đặc biệt là khi tôi có một đứa con trai và một con mèo. Tôi ngồi thần người và thầm nghĩ mình sẽ nổi điên lên thế nào khi về đến nhà. Một cái ống kính hàng tốt như vậy có giá hơn nghìn USD. Khi tôi gặng hỏi đã vỡ phần nào, con tôi ngập ngừng: “… vỡ tan nát rồi ạ. Mảnh kính văng khắp nơi".
Tôi thầm nghĩ: “Vĩnh biệt ống kính yêu dấu!” và nghĩ đến khi về nhà, công lý nhất quyết sẽ được thực thi.
Khi về nhà, tôi nghe con trai lí nhí thú tội: “Con mèo nhảy lên cửa sổ… Con nhảy theo nó… rồi nó đâm sầm vào ống kính… con chỉ muốn giúp nó... và nó... và con... ống kính rơi xuống đất".
Và tôi đã nói rằng, hình phạt cho chuyện này sẽ là bán hết đồ chơi của con, máy tính bảng, laptop, bộ loa… tất cả mọi thứ để mua lại một cái ống kính mới cho tôi.
Thằng nhóc im lặng, gật đầu rồi lẳng lặng về phòng. Một lúc sau, tôi thấy nó lôi cả bộ loa đặt lên trên bàn nên ngạc nhiên hỏi: “Con làm gì vậy?”. Nó trả lời rằng: “Để mua cho bố ống kính mới" và rồi đứng chôn chân ở đó một cách đau khổ.
|
Nuôi dạy con đôi khi cần nhiều tình thương hơn là những lời mắng mỏ. Ảnh: mywork.
|
Con trai tôi, 9 tuổi, bị chấn thương đầu gối và phải ngồi học tại nhà gần ba tháng nay. Nó chỉ làm bạn với bốn bức tường. Vợ chồng tôi bù đầu với công việc suốt trong tuần nên đành để con ở nhà chơi với con mèo cưng và vào giờ học thì có gia sư đến dạy. Ở lứa tuổi hiếu động, lẽ ra con tôi phải tung tăng chạy nhảy cả ngày, nhưng giờ nó đành phải bó gối ở nhà. Nghĩ về việc đó, ngực tôi nhói lên từng hồi. Trời đất, tôi đang hành xử kiểu gì vậy? Cái ống kính ấy dù sao cũng chỉ là món đồ vô tri thôi mà?
Nếu con tôi học kém, tôi nhất định sẽ la mắng con. Nếu con tôi lấp lửng nói dối tôi chuyện này, tôi sẽ la rầy nó. Nhưng… tôi đã nghĩ quá nhiều đến bản thân mình rồi...
Sau khi xâu chuỗi toàn bộ sự việc, tôi quyết định không nhắc đến cái ống kính vỡ nữa, không một lời nói. Tôi chỉ nói với con rằng giá tiền của ống kính ấy có thể dùng mua đồ chơi Lego chất đầy phòng. Con tôi bỗng trở nên hào hứng hơn hẳn.
Nó làm tôi nhớ lại lần tôi làm hư xe hơi của bố khi mới 16 tuổi, đó là một ngày tháng năm 1989. Khi đó bố cho tôi mượn xe lái quanh làng nhưng tôi lại háo thắng chạy hẳn lên đường cao tốc cho oai. Trên đường quay lại, tôi mất tay lái đâm sầm vào một hàng rào rơi thẳng xuống mương. Chiếc xe rơi xuống vũng lầy, riêng phần đầu thì móp méo biến dạng. Tôi đành đi bộ về nhà và thầm nghĩ bố sẽ nện cho tôi một trận nhừ đòn. Nhưng ngạc nhiên thay, khi nghe tôi thú tội xong, ông cụ chỉ im lặng mặc áo chỉnh tề rồi đến hiện trường tai nạn. Rồi khi cảnh sát đến, ông nói với họ chính ông đã mất lái để xe rơi xuống đó. Bố tôi thậm chí còn không có một lời trách mắng, thay vào đó ông lo lắng hỏi: “Con có sao không? Nếu không sao thì tốt rồi".
Vậy đấy, không một món đồ hư nào, đặc biệt khi hư do tai nạn, lại đáng quan tâm hơn số phận của một con người, nhất là những người thân yêu của mình. Bất chấp mọi người nói gì, tôi nghĩ mình đã làm đúng, giống những gì bố đã dạy tôi ngày xưa".
Mộc Miên (theo Brightside)