Muốn con ngoan, không bỏ bữa phải có iPad. Lâu dần, nhà tôi vắng tiếng cười, thay vào đó là âm thanh vuốt nhẹ màn hình công nghệ.
Anh Nguyễn Hoàng Nghiêm (quận 2, TP HCM) thấy bất an khi các thiết bị điện tử dần trở thành vật bất ly thân của đứa con trai 3 tuổi. Dưới đây là phần chia sẻ của anh về quyết định cai iPad cho con.
Cuối tuần rồi, vợ tôi tổng vệ sinh nhà cửa. Từ chiếc thùng các tông cất trên nóc tủ, bà xã lôi ra những món đồ vật nhỏ cũ kỹ. Cô ấy bỗng bần thần. Tôi biết những món đồ đó - kỷ vật quý giá thời ấu thơ vợ vẫn cất giữ. Đó là một chồng tranh nguệch ngoạc, nét vẽ vụng về, lấm lem màu sắc - kiệt tác của cô ấy và ba; là quyển sổ nhạc chép tay từng bài hát thiếu nhi mẹ tập cho bà xã tôi từ những ngày chưa đi học; là con diều đầu tiên cả gia đình nhỏ cùng làm từ giấy báo, dán bằng hạt cơm…
|
Ipad là “bảo mẫu”, vừa là bạn, đồng thời là món đồ chơi của nhiều trẻ em hiện đại. Ảnh minh họa.
|
Tuổi thơ vợ tôi không quá dư dả, nhưng cô ấy có một kho tàng kếch xù những ký ức đầy màu sắc. Tôi cũng bồi hồi nhớ về những ngày anh chị em tôi cười nắc nẻ bên con cào cào lá dừa, chong chóng giấy xoay xoay, trò chơi không tên do lũ con nít tự bày ra chơi không chán suốt những ngày hè. Bất giác, vợ chồng tôi cùng nhìn về đứa con trai 3 tuổi ngồi trên ghế sofa, đang cắm mặt vào iPad.
Tôi giật mình, “di sản” tuổi thơ của con tôi chỉ có chiếc iPad. Không chong chóng, thuyền nan, không anh chị em, bạn bè hàng xóm. Bạn, hay còn gọi là “bảo mẫu” của con chỉ có chiếc iPad. Lưng áo con hình như chưa một lần ướt đẫm mồ hôi vì chạy nhảy, phá phách như tôi thuở xưa. Lưng áo khô rang, thơm phức nhờ tài giữ trẻ của iPad và bốn bức tường máy lạnh kín bưng.
Ngày trước sắm iPad, tôi chỉ muốn giảm gánh nặng giữ con cho vợ. Có công nghệ, con không bò nghịch lung tung, vợ không phải chịu cảnh vừa ôm laptop trả lời mail gấp của khách hàng, vừa hết hơi hò hét con đừng đút tay vào kẹt cửa, đừng chui xuống gầm giường. Có iPad, đến bữa, cô ấy không phải bồng ẵm con từ đầu đường đến cuối ngõ để đút được muỗng cơm.
Chỉ cần bật Youtube, mở “Gummy Bear”, “Tom & Jerry” hoặc các video quảng cáo hay là xong xuôi gọn nhẹ. Có nó, con không níu áo tôi hỏi việc này, đòi lấy món kia trong khi tôi đang có một cuộc gọi khẩn từ sếp nước ngoài. Cũng đôi lần, tôi thấy tự hào khi đồng nghiệp trầm trồ khen con mới 3 tuổi đã vuốt iPad điêu luyện, chắc lớn sẽ giỏi công nghệ giống ba. Để rồi bây giờ, những lúc rỗi rãi có thể chơi cùng con, vợ chồng tôi rất khó khăn để tách con khỏi công nghệ.
Tôi vẫn tự an ủi, rồi đến khi đi học, có bạn bè, sẽ cai được thôi. Vả lại, nhìn quanh, gần như trẻ con nhà nào cũng bầu bạn với iPad, và đứa nào cũng khỏe mạnh mập mạp. “Thời này đứa trẻ nào cũng thế”, tôi tự trấn an mình.
Nhưng nhìn diều giấy, tranh vẽ thiếu nhi của vợ, nhớ những chong chóng, thuyền nan của mình, tôi lại chột dạ: "Phải chăng con đang bỏ lỡ quá nhiều thứ. Không chỉ trò chơi vui nhộn ngoài đời thật với những món đồ chơi thật, những người bạn thật, con cũng thiếu vắng sự kết nối với mẹ, ba". Lâu rồi, gia đình nhỏ 3 người của chúng tôi không đùa giỡn cười nắc nẻ cùng nhau, cùng vã mồ hôi chơi vui đến mệt nhoài. Sau này con lớn lên, nghĩ về tuổi thơ, tôi và vợ sẽ đứng ở đâu trong dòng ký ức. Con tôi có gì để mỉm cười nhớ về ba mẹ như khi vợ tôi vuốt từng bức tranh vẽ với ba, lật từng trang sổ tay ngày xưa hát cùng với mẹ. Lòng tôi bỗng xót xa.
Tôi hối hận vì ngày trước đã đẩy con cho “bảo mẫu” iPad. Nhưng ngẫm lại, nếu loại trừ yếu tố chủ quan do công việc bận rộn của vợ chồng tôi, thì cuộc sống hiện tại thật khó khăn cho thế hệ chúng tôi để có thể cho con một tuổi thơ đầy màu sắc như thế hệ trước đã làm. Bây giờ bước ra khỏi cửa là đường xá, xe cộ chạy như mắc cửi, công viên đâu cho con vui chơi. Rồi nhà nhà đều cửa đóng then cài, hàng xóm chuyển đến chuyển đi mấy bận nhiều khi cũng chưa biết hết mặt nhau, trẻ con cũng mất đi khái niệm bạn cùng xóm. Khi cộng đồng không còn gắn kết, môi trường ngoài cửa nhà không thuận lợi, còn lựa chọn nào an toàn, bổ ích cho con ngoài công nghệ.
|
Những không gian sống có công viên cây xanh rộng lớn, cộng đồng gắn kết, tạo điều kiện thuận lợi để trẻ sống trọn vẹn tuổi thơ đầy màu sắc vẫn quá hiếm hoi. Ảnh: Khu đô thị Vinhomes Central Park.
|
Tôi chỉ ước ao một ngày, con trai bước chân ra khỏi cửa là đến công viên - nơi thoải mái chạy nhảy, lăn trên cỏ, tập chạy xe đạp, trượt patin. Ước ao cuộc sống dù hiện đại nhưng trẻ con các nhà sát vách vẫn biết mặt nhau, ới gọi nhau đi chơi mỗi chiều đi học về hay những ngày hè đầy nắng. Cuộc sống của con trẻ sẽ tươi đẹp biết bao, nếu bên cạnh tiện nghi hiện đại, tâm hồn các con vẫn được nuôi dưỡng bằng những giá trị cộng đồng, các trò chơi thật, cùng những con người thân thiện.
Và trước khi ước mơ trở thành hiện thực, có lẽ tôi và vợ cần lên kế hoạch thay thế dần “bảo mẫu iPad” trong cuộc sống của con. Bởi mỗi một ngày không màu trôi qua, con lại mất đi một tuổi thơ để nhớ, mất đi cơ hội để những kỷ niệm, ký ức bên ba mẹ được khắc ghi. Dù sao, con có đến 50 năm làm người lớn khôn nhưng chỉ có 10 năm làm trẻ nhỏ.
Nguyễn Hoàng Nghiêm
Lễ hội “Sắc màu tuổi thơ” do Vinhomes Central Park tổ chức sẽ diễn ra tại nhà thi đấu Phú Thọ (số 1 Lữ Gia, phường 5, quận 11) lúc 18h-21h ngày 29/5. Đây là nơi để các gia đình tham quan, chụp hình lưu niệm tại quảng trường chong chóng đầy sắc màu. Các bé được học cách gấp hạc, làm chong chóng, vẽ tranh 3D, tô màu theo chủ đề và trưng bày tranh tại con đường sắc màu, chuyền bóng rổ và kẹp bóng, đua thú nhún…
Bé Bảo Ngọc, bé Hoàng Quân (Chương trình Gương mặt thân quen nhí), ca sĩ Mỹ Linh và con gái, Dương Hoàng Yến, nhóm 365 sẽ góp mặt trong lễ hội với nhiều tiết mục đặc sắc.