“Bắt con cá lóc nướng trui
Làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa”
Tây Nam Bộ kênh rạch chằng chịt, sông nước mênh mang nên có hằng hà sa số các loại tôm cá, loại nào cũng có thể đem ra để nướng - kiểu chế biến dân dã nhất từ thuở khai hoang. Trong đó đặc sắc và nổi tiếng hơn cả là món cá lóc nướng trui.
Cá lóc nướng trui - đặc sản miền Tây - đúng điệu nhất định phải là cá lóc sống trong môi trường tự nhiên, thịt săn chắc, vị ngọt thơm và nướng kiểu trui rơm. Con cá sau khi được làm sạch ruột sẽ được xiên vào que tre, cắm xuống đất rồi phủ rơm lên và đốt. Tuy nhiên, ngày nay cá lóc tự nhiên khan hiếm nên người ta thường sử dụng cá lóc nuôi và chủ yếu nướng trên than hồng.
Cá nướng chín được bày trên lá chuối tươi, cạo lớp vảy cháy đen bên ngoài sẽ lộ ra phần da chín vàng ươm đầy hấp dẫn. Ăn kèm cùng món này sẽ có bánh tráng mỏng dẻo dai, các loại nước chấm (nước chấm mắm me, mắm nêm, tương xay hoặc muối tiêu), bún tươi, dưa leo, chuối chát, khế chua, giá và không thể thiếu các món rau thơm xanh ngắt hấp dẫn của miệt vườn như húng, diếp cá, cải xanh, xà lách, có nơi còn có thêm lá cóc, lá sộp, lá sài, quế vị, lá cách, bông điên điển, bông súng…
Trải một miếng bánh tráng, dàn đều các nguyên liệu gồm miếng thịt cá trắng tinh nóng hổi còn bốc khói, ít bún thanh mát, ít rau giá thơm lừng, tất cả hòa quyện cùng vị đậm đà của nước chấm sẽ mang lại cho thực khách trải nghiệm không thể nào quên.
Về thăm miền Tây, đừng quên thưởng thức món quà đậm đà hồn quê, toát lên mùi vị sông nước thân thương, bình dị này. Sở dĩ có tên là bánh xèo vì bột bánh khi cho vào khuôn hay chảo gang dầu nóng sẽ phát ra tiếng “xèo” rất lớn, chỉ nghe thôi đã thấy mọi giác quan được đánh thức.
Nếu như bánh xèo miền Trung chỉ nho nhỏ xinh xinh thì bánh xèo miền Tây có kích thước... ngoại cỡ, to gần bằng chiếc mâm, ăn một, hai chiếc là đủ no nê. Vỏ bánh xèo được làm từ bột gạo xay pha thêm nước cốt dừa béo ngậy và hành lá thái nhuyễn, trộn với bột nghệ để khi chiên lên có màu vàng tươi, trông rất hấp dẫn.
Nhân bánh xèo miền Tây vô cùng đa dạng. Phổ biến nhất là giá, tôm đất, thịt heo... Nhưng ở Bến Tre người ta có thể cho thêm nấm mối, ốc gạo còn Đồng Tháp có thêm thịt vịt bằm nhuyễn, củ sắn.
"Quái" hơn, ở Cà Mau nhân bánh xèo còn cho cả thịt chuột,... nói chung tùy theo sở thích và nguyên liệu sẵn có mà thay đổi cho linh hoạt.
Cắn miếng bánh xèo vàng tươi, giòn rụm, ngập nhân tôm thịt ngọt thơm, lại ăn cùng diếp cá, rau cải xanh, xà lách, húng quê, dưa leo, dứa,..., chấm nước mắm chua ngọt và đồ ngâm chua, du khách nào cũng sẽ thấy mãn nguyện, bõ công về với mảnh đất miền Tây này.
Tham khảo thêm cách làm bánh xèo miền Nam:
Món ăn này là sự kết hợp đặc trưng của ẩm thực miền Tây mùa nước nổi. Tầm tháng 9, tháng 10, cá linh non, thịt mềm ngọt, hầu như không có xương, bông điên điển vào mùa trổ bông vàng ươm khắp vùng sông nước. Đây là thời điểm "vàng" để có món lẩu cá linh bông điên điển ngon đúng điệu nhất.
Cái ngon độc đáo của món ăn là hương vị thơm thơm, giòn ngọt đặc trưng từ bông hoa điên điển, hòa quyện với thịt cá linh mềm, béo ngậy.
Ăn kèm với lẩu cá linh - đặc sản miền Tây - có thể là bún tươi hoặc cơm nóng và nhất thiết phải có ít nước mắm ngon và ớt hiểm cay xé lưỡi để chấm cá.
Là đặc sản miền Tây trứ danh nhưng cũng được báo chí thế giới liệt vào hàng những món ăn kinh dị nhất, đuông dừa không dành cho những thực khách... yếu tim. Con đuông dừa là một loại ấu trùng thường sinh sống trong cổ hũ (bên trong ngọn) của thân cây dừa, cau,… nói chung là các loại cây thuộc họ cau.
Nhiều người nhìn những con đuông dừa béo núc níc, mềm nhũn to bằng ngón tay ngọ nguậy đã thấy ớn lạnh, rùng mình nhưng người dân miền Tây lại coi đây là một sản vật được thiên nhiên ban tặng.
Đuông dừa rất giàu dinh dưỡng, được chế biến thành rất nhiều món khác nhau như: đuông chiên giòn, gỏi đuông tầu hũ dừa, đuông lăn bột, đuông dừa ngâm mắm, cháo đuông dừa,...
Ngon nhất và cũng khiến nhiều người dễ "ngất xỉu" khi vừa nhìn thấy nhất là món đuông dừa ngâm mắm ăn sống. Nhìn những con đuông dừa béo mẫm bơi lội đủng đỉnh trong bát nước mắm cay, không phải ai cũng dám thử nhưng nếu gắp thử một "chú" đang ngọ nguậy bỏ vào miệng, nhai vỡ từ từ, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt bùi như kết hợp giữa lòng đỏ trứng và phô mai rất thú vị.
Miền Tây là thiên đường của vô vàn loại rau chẳng đắt đỏ mỹ miều nhưng ngon đến lạ lùng, ăn một lần là thòm thèm nhớ mãi: rau đắng, rau rút, rau đọt choại, rau the, đọt nhãn lồng, rau trai, tàu bay, rau mác, kèo nèo, bồn bồn,...
Đặc biệt, các loại hoa - đặc sản miền Tây - ở đây cũng dùng làm thức ăn được với đủ hương vị, màu sắc bắt mắt: bông bí, thiên lí, điên điển, lục bình, bông súng, bông mướp, bông so đũa,...
Rau là linh hồn cho các bữa lẩu mắm, lẩu cá, bún, các món cuốn, gỏi,..., dường như món ăn miền tây sinh ra là để kết hợp với chúng. Nhắc đến miền Tây mà không kể đến những những loại rau phong phú trên thì quả là một thiếu sót lớn.
Lang thang trên đất Nam Bộ nắng cháy dài ngày, một món ăn dễ nuốt, dễ tiêu, ấm bụng như lẩu cháo cua đồng sẽ khiến người ta thấy lòng mình dịu hẳn lại.
Ai đã từng về miền Tây và được thưởng thức món lẩu cháo cua đồng sẽ không bao giờ quên được hương vị thơm ngon, béo ngậy của riêu cua, vị mềm ngọt của cháo và 5 loại rau đồng quê thanh mát: rau ngót, rau má, rau mồng tơi, rau đay, cải xanh và mướp hương.
Chút gừng xắt sợi, cùng nước chấm mắm ngon, nếu thích có thể thêm ít hột vịt lộn vào nồi lẩu cháo sẽ làm món ăn đậm đà, tròn vị.
Thiên nhiên hào phóng ban cho miền Tây đầy tôm, cá,... vì thế mà biết bao nhiêu loại mắm đã ra đời dưới bàn tay khéo léo chế biến của con người. Và lẩu mắm có thể coi như một bản hòa ca của các loại mắm, trở thành linh hồn của ẩm thực miền Tây.
Nguyên liệu chính của món ăn này là mắm cá sặc hay mắm cá linh ngon nổi tiếng vùng Châu Đốc. Một nồi lẩu mắm ngon - đặc sản miền Tây - sẽ có nước dùng ngọt ngào, đậm đà ninh từ xương heo, dừa tươi, mắm pha loãng, thêm cà tím, khổ qua, nấm,… để tăng thêm vị ngọt tự nhiên và sắc màu cho món ăn.
Nhúng vào nước lẩu là đủ loại sản vật sông nước phù sa trù phú: cá tra, cá basa, tôm, tép, thịt ba rọi,... và không thể thiếu 1001 món rau xanh mướt mát. Ăn lẩu mắm một lần là nhớ hoài, nhớ mãi, mùi mắm, vị mắm còn lưu luyến không thôi.
Đến Tây Nam Bộ đừng quên thưởng thức bò tùng xẻo - món ăn hấp dẫn không thể chối từ. Bò được cắt tiết, cạo lông rồi mổ bụng, lấy hết bộ lòng ra, cho vào bụng các loại lá thơm như đinh lăng, tía tô, lá sả và lấy dây thép khâu chặt lại, sau đó đặt lên hai cây tre lớn để quay.
Nếm miếng bò da vàng rộm bên ngoài, thịt đỏ hồng ngọt nước mà không sống bên trong, nhâm nhi cùng rau sống, khế chua, chuối chát cùng vài ly rượu... chỉ có một từ có thể diễn tả được: "Hết xảy!"
Vú sữa thơm ngọt, cháo cá lóc rau đắng béo ngậy,... ai mà cầm lòng bỏ qua được khi về với Tiền Giang?
Theo Hường Nguyễn (Ảnh: Internet) (Khám phá)