Nước chấm là luôn được coi là linh hồn của nhiều món ăn. Nếu không có nước chấm, các món như luộc, rán, hấp… sẽ trở nên nhạt nhẽo mất đi sức hấp dẫn vốn có. Cứ tưởng tưởng, món ăn sau khi chế biến xong, được chấm chìm trong bát nước chấm chua cay ngọt với phần tỏi ớt được nổi lên đẹp mắt thật hấp dẫn.
Nước chấm tỏi, ớt thường được để dùng chấm các món chiên rán. Chẳng ai có thể phủ nhận, sức hấp dẫn của bát nước chấm chính là phần tỏi, ớt này... nổi lên trên bề mặt. Màu trắng hòa quyện lẫn vào màu đỏ khiến bát nước chấm thêm sinh động. Không những thế, khi bạn chấm chìm món ăn vào, phần tỏi ớt mà nổi lên sẽ dễ dàng bám theo đồ ăn, lúc thưởng thức, hương vị món ăn quyện lẫn mùi thơm cay cay, nồng nồng của tỏi ớt mới thực sự chuẩn vị.
Việc cho tỏi, ớt nổi lên bề mặt bát nước chấm là khó khăn nhiều chị em nội trợ gặp phải
Nếu tỏi, ớt không nổi lên trên thì khi chấm, chúng khó bám vào thức ăn, khiến món ăn bớt hấp dẫn hơn nhiều. Bởi vậy, khi làm nước chấm chua ngọt kiểu này, bất cứ chị em nào cũng mong muốn tỏi, ớt sẽ nổi đều, là khi ấy món ăn đã thành công 100%.
Có thể nước chấm tỏi ớt chua ngọt ai cũng từng pha là một chuyện nhưng việc tỏi, ớt có nổi lên hay không lại là chuyện khác. Có người pha hôm nay thì tỏi ớt nổi, nhưng mai lại chìm. Có người pha lúc nào những nguyên liệu này cũng nổi đầy đủ trên bề mặt, lại có người bao nhiều năm chưa một lần tự tay khiến tỏi, ớt nổi. Vậy mới có chuyện 1 cô gái "đăng đàn" trên hội nhóm nấu ăn, "kêu cứu" nhờ chị em bày cách, chỉ vì cô ấy 26 năm qua, chưa thể pha cho mình 1 bát nước chấm hoàn thiện với một lý do, tỏi ớt không thể nổi.
Cô gái "kêu cứu" vì không thể làm tỏi ớt nổi khi pha nước chấm
Tưởng là câu chuyện cười nhưng điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi nước chấm tuy quen thuộc nhưng nếu không pha đúng tỉ lệ, tỏi, ớt rất khó nổi.
Ngay sau khi kêu gọi mọi người chỉ cách, ngay lập tức, cô gái đã nhận được rất nhiều bí quyết pha nước chấm của nhiều chị em khác.
Bạn Melody Quỳnh: "Có thể do tỏi chứa nhiều nước, chị thử đập dập để ngoài một lúc cho khô bớt rồi bằm thật nhỏ nhé. Em làm thế nó cũng nổi".
Bạn Phương Phở: "Mình pha nước ấm, nhiều đường tỏi sẽ nổi".
Bạn Phuong Mac: "Cho chanh, tỏi, ớt, đường, nước hòa tan rồi đổ mắm vào sau cùng bạn làm thử xem mình làm lần nào cũng thấy nổi".
Còn Mai Ngân cho rằng: "Tỏi không đập dập mà để nguyên củ rồi thái băm nhỏ cho vào nước mắm pha sẵn là nó nổi, e toàn làm thế".
Phan Quỳnh Anh bật mí: "Mình bày cho 1 cách rất hiệu quả là sau khi bằm tỏi, bỏ vào bát giấm ngâm trước, rồi mới cho vào nước chấm đã pha rồi. Nổi luôn"
Khánh Vân Thuý: "Giã tỏi xong vắt chanh vào ngâm sau đó pha mắm đường, rồi đổ bát chanh tỏi sau cùng vào bát mắm đường, đảm bảo tỏi nổi hơn cồn ý".
Nhiều chị em chia sẻ kinh nghiệm và khoe thành phẩm nước chấm có tỏi, ớt nổi
Rất nhiều kinh nghiệm của chị em đã được chia sẻ với cô gái này nhưng phần lớn cho rằng, mỗi người một ý, người này làm thế thì nổi, người kia thì không.
Thực tế, nước mắm dùng để pha cũng quyết định rất nhiều trong việc khiến tỏi ớt có nổi hay không. Nước mắm mặn khiến chúng dễ nổi, nước mắm nhạt làm chúng dễ chìm vì thế, khi pha cần có tỉ lệ các nguyên liệu như nước, đường, chanh/giấm phải phù hợp.
Ngoài ra, việc tỏi đập dập nát hoặc băm quá nhuyễn cũng khiến nó dễ chìm vì lúc này nước mắm ngấm đều vào tỏi. Tỏi chỉ cần băm nhỏ vừa là được. Ớt có thể cắt khoanh hoặc băm nhỏ, cũng không nên băm nhỏ quá. Ớt vẫn còn hình dáng của miếng mới khiến bát nước chấm đẹp.
Khi pha, không phải cho tất cả các nguyên liệu này vào với nhau rồi mà mà phải làm lần lượt. Trước tiên, hòa đường chung với nước mắm cho tan đường rồi mới đến nước, cuối cùng là giấm (hoặc chanh). Hòa đều sau đó cho tỏi, ớt băm nhỏ vào. Lưu ý, tỏi và ớt không nên đập dập vì làm kiểu này chúng sẽ ít nổi lên mặt bát nước chấm hơn.
Vì thế, chị em có thể tham khảo tỉ lệ pha nước chấm đơn giản dưới đây mà vô cùng hữu hiệu:
Chuẩn bị: Tỉ lệ 1:1:1:5
- 2 thìa nước mắm ngon (nước mắm không quá mặn, nếu nước mắm mặt phải thay đổi tỉ lệ)
- 2 thìa đường; 2 thìa giấm/2 thìa nước cốt chanh; 10 thìa nước
- Tỏi, ớt băm nhỏ (không dã hoặc băm nát)
Cách làm:
Lần lượt cho đường và nước vào nước mắm rồi khuấy thật đều cho đường tan hoàn toàn. Sau đó mới đổ giấm/ nước cốt chanh rồi khuấy đều. Cuối cùng đổ tỏi, ớt băm vào.
Tỉ lệ nguyên liệu này sẽ thay đổi tùy thuộc vào độ mặn của nước mắm, và độ chua của chanh, giấm.
|
Chị Hương Ly có thói quen pha nước mắm tỏi ớt rất tinh tế, làm nên linh hồn của bữa cơm.
Theo Phương Lan (Khám phá)