Tức giận vì con gái của con nợ hỗn láo với mình, Mai dùng xô sắt đánh bé 2 cái. Sau đêm đó, bé gái đau đầu, ói mửa rồi tử vong.
Phạm nhân Nguyễn Thị Trúc Mai (sinh năm 1968, ở ấp An Hội, xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) đã phải sống cả phần đời còn lại sau song sắt với mức án chung thân vì hành vi giết trẻ em. Thế nhưng, với khát vọng hướng thiện, phạm nhân Nguyễn Thị Trúc Mai đã làm được những điều phi thường để ngày về một gần hơn.
Ngày chưa vào tù, bên cạnh việc làm ruộng, chăm lo cày cấy mấy công đất được bố mẹ cho, chị Nguyễn Thị Trúc Mai còn tranh thủ chạy chợ bỏ mối thịt lợn và làm thêm nhiều việc khác để kiếm thêm đồng ra đồng vào lo cho gia đình, chồng con.
Ở chợ, Nguyễn Thị Trúc Mai chơi thân với vài người phụ nữ, họ thường chơi hụi, mỗi người góp một ít tiền rồi mỗi tháng thay nhau nhận. Nhưng cũng chẳng thể ngờ được rằng chính từ việc chơi hụi này mà Mai đã vướng vào vòng lao lý. Chuyện xảy ra năm 1997, rắc rối đã nảy sinh trong nhóm bạn của Mai vì sau khi khấu trừ các khoản, chị Lê Thị Xị (sinh năm 1964), ở ấp An Hội, xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh vẫn còn nợ Nguyễn Thị Trúc Mai gần 5 triệu đồng.
Đến nhà Lê Thị Xị đòi tiền nhiều lần nhưng không được nên tháng 8/1998, Nguyễn Thị Trúc Mai đã làm đơn gửi cơ quan công an nhờ can thiệp. Tại cơ quan công an, chị Lê Thị Xị đã thừa nhận nợ và viết giấy cam kết sẽ trả chị Mai mỗi tháng là 200.000 đồng. Tuy nhiên, trả được 2 tháng thì chị Lê Thị Xị lại chây ỳ khiến mâu thuẫn giữa hai người bùng phát.
Phạm nhân Mai vui mừng vì con gái tốt nghiệp Đại học và có cơ hội đi du học. |
Mâu thuẫn giữa Mai và Xị được đẩy đến đỉnh điểm là vào lúc 17h ngày 27/4/1999, Mai cùng chồng đến nhà chị Xị đòi nợ. Lời qua tiếng lại, hai bên xảy ra xô xát, trong đó chồng Mai và chồng chị Xị lao vào đánh nhau, chị Xị cùng con gái đầu cũng cào cấu chị Mai. Xô đẩy một hồi, một bên mái nhà tranh của chị Xị bất ngờ bị đổ xuống, “cuộc chiến” giữa chủ nợ và con nợ cũng phải dừng lại do người dân địa phương kịp thời chạy đến can ngăn.
Sau đó, Mai cùng chồng bỏ về, còn chị Xị đi báo chính quyền địa phương. Lúc này, con gái thứ hai của chị Lê Thị Xị là cháu Tâm (năm đó 13 tuổi) đang đi chơi thì nghe tin ở nhà có chuyện nên lập tức đạp xe về. Đến nơi, Tâm thấy cảnh tượng trong nhà hoang tàn, không một bóng người thân nên lại đạp xe đi tìm cha mẹ và chị gái. Lúc đi ngang nhà Mai, cháu Tâm thấy Mai đang cầm một chiếc xô nhôm đi xin nước về dùng.
Biết Mai vừa đến nhà mình gây chuyện, Tâm không thèm chào hỏi và nói trống không khiến Mai rất tức giận. Chẳng nói chẳng rằng, Mai dùng chiếc xô đánh hai cái vào đầu, dùng tay tát cháu Tâm khiến nạn nhân bị mất đà ngã xuống. Hoảng sợ, Tâm vội vàng chạy đến nhà người quen nhờ xoa dầu rồi về nhà. Tối hôm đó, Tâm không ăn uống được, bị ói mửa, đau đầu, toàn thân co giật, chân tay co quắp nên gia đình vội đưa đi cấp cứu. Đến bệnh viện, cháu Tâm được chẩn đoán đã bị nứt xương đỉnh sọ, gây tụ máu não và tử vong.
Nghe tin cháu Tâm tử vong, ngày 30/4/1999, Mai ra đầu thú tại Công an huyện Trảng Bàng. 8 tháng sau, Mai bị Tòa án đứa ra xét xử trong vụ án giết người và bị tuyên phạt mức án tù chung thân.
Phạm nhân Nguyễn Thị Trúc Mai đang lao động, cải tạo tại Trại giam An Phước thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an đóng tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Nhắc lại chuyện cũ, nữ phạm nhân Nguyễn Thị Trúc Mai bật khóc, sau đó cố trấn tĩnh lại nói rằng: “Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao khi đó mình lại hành động như vậy. Đó là giây phút đen tối nhất của cuộc đời tôi”.
Nói về chuyện vay nợ với chị Lê Thị Xị, phạm nhân Nguyễn Thị Trúc Mai bảo rằng chị Xị chỉ là một trong nhiều con nợ của mình. Do quan hệ thân tình giữa hai chị em nên sau khi thu hồi nợ của những người khác, Mai mới đòi nợ đến chị này. Tuy nhiên, năm lần bảy lượt Mai giục mà chị Xị vẫn không trả. Thậm chí, khi Mai đến nhà đòi nợ thì vợ chồng chị Xị châm chọc, chửi rủa nên ngày hôm đó Mai mới cùng chồng sang “nói chuyện phải trái”.
Về việc cháu Tâm không liên quan đến chuyện người lớn nhưng lại bị Mai sát hại, phạm nhân này bảo rằng hôm đó khi đi xe đạp ngang qua mặt Mai, cháu Tâm đã chửi đổng. Đáp lại, Mai đã bảo: “Chửi dì Út, dì đánh cho đấy, trẻ con không được láo nghen” nhưng cháu Tâm vẫn không thôi nên Mai tiện tay cầm cái xô đã đánh cho hả giận, không ngờ cướp đi tính mạng của cháu.
Sau khi nhận mức án tù chung thân, Mai đã rất suy sụp vì nghĩ rằng tương lai của mình thôi thế là đã hết. Lại thêm nỗi ám ảnh về hành vi tội lỗi của mình, Mai mất ngủ triền miên, thường xuyên gặp ác mộng. “Những ngày mới nhập trại, ít khi tôi ngủ được, cứ nhắm mắt vào là lại thấy hình ảnh cháu bé hiện về. Tôi cũng từng nghĩ rằng có lẽ mình không nên sống trên cõi đời này nữa nhưng càng nghĩ, càng trách mình bao nhiêu lại càng thương mẹ già và đứa con gái bấy nhiêu. Gia đình lên thăm, con gái viết thư vào thường xuyên động viên tôi cải tạo cho tốt nên dần dần tôi đã bình tâm hơn”, phạm nhân chia sẻ.
Năm 2009, nhờ cải tạo tốt nên phạm nhân Nguyễn Thị Trúc Mai đã được giảm án từ tù chung thân xuống mức án tù có thời hạn (20 năm). Đến nay, Mai đã có hai lần được giảm án với thời hạn lần lượt là 5 tháng và 10 tháng. Với thành tích cải tạo liên tục được xếp loại khá và tốt, rất có thể ngày về sớm của phạm nhân Nguyễn Thị Trúc Mai còn nhiều hy vọng.
Thực tế là nhờ nỗ lực cải tạo tốt đã giúp phạm nhân Nguyễn Thị Trúc Mai nhận được sự tin tưởng của Hội đồng giám thị Trại giam An Phước và của các phạm nhân khác nên được bầu vào đội trật tự, tự quản tại Phân trại số 2.
Mai tâm sự: “Đồng cảnh ngộ và đều mong muốn sớm được đoàn tụ gia đình nên ai cũng động viên nhau cố gắng. Tuy vậy, vẫn có những trường hợp có hoàn cảnh riêng, phải hiểu họ, tâm sự với họ thì mới có thể giúp chị em an tâm mà cải tạo được. Được làm công việc này, tôi thấy mình sống có ý nghĩa hơn!”.
Mai bật khóc khi nhớ lại ngày “thoát” khỏi án phạt tù chung thân: “Tôi mừng quá! Tôi không biết phải diễn tả như thế nào để các chị em xung quanh có thể hiểu sự mừng rỡ của tôi khi đón nhận quyết định đó. Nghĩ đến việc có thể được về bên con gái, về với cuộc sống ngoài kia, tôi cứ khóc mà không dừng lại được, khóc như chưa bao giờ được khóc”.
Trong suốt buổi trò chuyện, không thấy phạm nhân Mai nhắc nửa lời đến chồng mình, hỏi ra thì được biết ngay sau khi chị vướng vòng lao lý, gia đình nhà chồng đã từ mặt chị, cấm chồng chị vào thăm vợ. Một thời gian sau, Mai chấp nhận ly hôn cho chồng đi tìm hạnh phúc mới. Đổi lại, con gái của Mai dù sống thiếu mẹ nhưng vẫn ngoan ngoãn, học giỏi và thường xuyên viết thư vào trại giam động viên mẹ. Cô con gái này cũng tranh thủ bất kỳ lúc nào có thời gian là đưa bà ngoại vào thăm để an ủi mẹ.
Nói về con gái, Mai nở nụ cười mãn nguyện: “Ngày nó báo tin thi đỗ đại học, tôi mừng đến ứa nước mắt. Rồi đến ngày nó viết thư vào bảo chuẩn bị tốt nghiệp ra trường và sẽ đi du học vì kiếm được học bổng, tôi lại càng thấy mình vẫn còn may mắn. May mắn vì số phận đã không lấy đi của tôi tất cả những gì thân thương nhất. May mắn vì con gái tôi đã tự biết lo cho bản thân và còn biết kiếm tiền mua những đồ dùng cần thiết gửi vào trại giam cho mẹ, từ cái gương, cái lược đến những vật dụng hàng ngày, cháu đều gửi vào cho tôi. Tất cả những điều tốt đẹp đó đã không chối bỏ tôi mà là động lực giúp khát vọng hướng thiện trong tôi thêm lớn lao để mong ngày về không còn xa nữa!”.
Theo An Ninh Thủ Đô
Post a Comment