Núi Athos thuộc bán đảo vùng Halkidiki. Nơi đây được thành lập như một thế giới riêng của tu sĩ từ những năm 800 sau Công nguyên, dưới thời Byzatine.
Ngày nay, núi Athos trở thành nhà của hơn 2.000 tu sĩ đến từ Hy Lạp và các quốc gia lân cận như Bulgaria, Serbia và Nga. Những tu sĩ sống cuộc đời khổ hạnh và gần như hoàn toàn cô lập với phần còn lại của thế giới.
Núi Athos. Ảnh: Odditycentral. |
Mặc dù là một phần trong Liên minh châu Âu nhưng ngọn núi thánh được phép tự quản và không phụ thuộc vào nhà nước. Từ năm 1040, Hoàng đế Hy Lạp biến nơi đây thành vùng đất dành riêng cho tu sĩ nam theo đạo Thiên Chúa. Điều này kéo theo việc hạn chế quyền tự do đi lại của con người và hàng hóa trong vùng lãnh thổ, trừ khi xin được giấy phép chính thức.
Tại Athos, có nhiều quy định tồn tại từ thời Byzantine nhưng khá xa lạ với thế giới hiện đại. Ví dụ như một ngày của họ chỉ bắt đầu được tính vào lúc hoàng hôn, nhưng kỳ lạ nhất chính là lệnh cấm phụ nữ đặt chân vào bán đảo linh thiêng này.
Hơn 1.000 năm qua, phụ nữ bị cấm đặt chân lên núi. Trên thực thế, cả đàn ông không có râu hay tất cả động vật thuộc giống cái cũng không được phép. Chỉ có chim muông và côn trùng, do thuộc về bầu trời nên sẽ trở thành ngoại lệ.
Ngoài ra, nơi này chỉ cho phép những người đàn ông có đạo đức và vẻ ngoài tử tế đến thăm, tham dự các buổi lễ, ăn cơm trưa cùng tu sĩ và thậm chí ở lại qua đêm trong tu viện. Còn với du khách nữ, họ phải ở bên ngoài và thăm quan từ trên thuyền.
Mục đích duy nhất của những tu sĩ chính là để trở nên gần gũi với Chúa hơn, do đó họ cần phải tuân thủ một cuộc sống độc thân nghiêm ngặt. Phụ nữ bị cho là nguyên nhân khiến các tu sĩ trở nên xao lãng và cản trở sự giác ngộ tâm linh. Ngoài ra, tu sĩ phải mặc quần áo dài, màu đen để phản ánh cái nhìn từ cõi chết ra thế giới bên ngoài. Họ phải cầu nguyện từng phút trong ngày. Sau tám tiếng phục vụ ở nhà thờ, tu sĩ trở về nhà và tiếp tục cầu nguyện một cách âm thầm.
Tu viện dành riêng cho nam tu sĩ. Ảnh: Odditycentral. |
Người phụ nữ duy nhất được chấp nhận ở Athos là Đức mẹ đồng trinh Mary. Truyền thuyết kể rằng, Đức mẹ đã dừng chân trên núi Athos để tránh một cơn bão. Sau đó, Đức mẹ truyền lại những giáo lý đạo Thiên Chúa cho người dân sinh sống trên đảo.
Tuy nhiên, trước phong trào ngày càng lan rộng về sự bình đẳng giới cũng như quyền được theo đuổi tín ngưỡng, nhiều phụ nữ tham gia vận động hành lang phản đối lệnh cấm. Năm 2003, Quốc hội châu Âu ra nghị quyết lên án hành vi vi phạm bình đẳng giới và quyền tự do của phụ nữ.
Anna Karamanou, một thành viên trong nhóm phong trào “Cho phép phụ nữ đến thăm núi Athos” cho biết Công giáo luôn từ chối không công nhận đàn ông và phụ nữ có giá trị ngang nhau hay có quyền bình đẳng như nhau.
Nausicaa M. Jackson, một thành viên khác của nhóm, bày tỏ quan điểm: “Athos là nơi linh thiêng dành cho mọi tín đồ, họ thờ Đức mẹ đồng trinh nhưng lại ngăn cấm phụ nữ. Thực chất đó là hành động chống lại Thiên chúa giáo thì đúng hơn”.
“Chúng tôi trả tiền thuế để xây dựng và tu bổ các tu viện. Tôi cũng bình đẳng như nam giới nên chẳng có lý do nào mà chúng tôi không được đến thăm núi Athos”, giáo sư Eleni Chontodolou, người hoạt động cho phong trào nữ quyền Hy Lạp cho hay.
Nơi đây cấm tất cả phụ nữ, động vật giống cái và thậm chí cả đàn ông không có râu. Ảnh: Odditycentral. |
Ngược lại, với các tu sĩ, họ không xem lệnh cấm là một vấn đề bất bình đẳng. Thay vào đó, nó thuộc về đức tin. Dositej Hilandarac, một tu sĩ từ tu viện Athonian Hilandar giải thích họ không có vấn đề gì phụ nữ. Lệnh cấm xuất phát từ các quy tắc Avaton, mà theo đó nghiêm cấm phụ nữ đi vào núi thánh.
Bất chấp những quy định nghiêm ngặt, núi Athos đã có một số trường hợp ngoại lệ. Phụ nữ và trẻ em luôn được chào đón trong thời điểm xảy ra chiến tranh hay dịch bệnh. Năm 1347, Nữ hoàng Serbia Jelena Kantakuzin phải lánh nạn tại núi thánh khi xảy ra bệnh dịch và công chúa Serbia Mara Brankovic được phép đến thăm để đóng góp cho việc tu bổ các tu viện trên núi Athos.
Xem thêm Những tu viện cheo leo trên vách núi
Hải Thu
Post a Comment