Bệnh nhân sau hai ngày nhập viện vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, rối loạn đông máu, máu tụ nội sọ, nếu mổ ghép nối bàn tay đứt lìa có thể gây xuất huyết nội sọ.
Theo bác sĩ Chu Anh Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Quân y 175, TP HCM, bệnh nhân Bùi Hoàng Thiên Phương sinh năm 1991 vẫn trong tình trạng hôn mê sâu do máu tụ nội sọ, rối loạn đông máu và chấn thương sọ não. Phương nhập viện tối 6/3 trong tình trạng nguy kịch, đứt lìa bàn tay trái, mất máu nhiều, nồng độ cồn trong máu cao, được cấp cứu sớm song vẫn chưa tỉnh lại.
Bệnh nhân được đưa vào viện với bàn tay đứt lìa do bị giang hồ chém. Bàn tay đứt lìa đã được bệnh viện xử lý và bảo quản kịp thời. Song theo bác sĩ Tùng, tổn thương sọ não vẫn đe dọa tính mạng bệnh nhân nên đội ngũ y bác sĩ tập trung sức lực đưa bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Trong tình trạng này, các bác sĩ không thể tiến hành mổ vi phẫu ghép tay cho nạn nhân bởi khả năng xuất huyết nội sọ sẽ cao, cực kỳ nguy hiểm cho tính mạng. Ngoài ra, với tình trạng rối loạn đông máu, vấn đề cầm máu cho bệnh nhân khi phẫu thuật sẽ nguy hiểm.
Trên thực tế, thời gian bảo quản bàn tay bị đứt lìa tối đa là 6 ngày. Theo các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175, với tình trạng hiện tại bệnh nhân khó có điều kiện sức khỏe tham gia ghép bàn tay trong thời gian bảo quản tay có hạn. Xác định bàn tay không có khả năng cứu được, mục tiêu cứu mạng sống của người bệnh được tập thể y bác sĩ ưu tiên đặt lên hàng đầu.
Sức khỏe bệnh nhân Nguyễn Văn Phong đang hồi phục tốt. Ảnh: Khánh Ly. |
Bệnh viện Quân y 175 từng thực hiện nhiều ca phẫu thuật nối bộ phận cơ thể đứt rời thành công. Chấn thương dẫn đến đứt lìa một phần cơ thể là tai nạn có thể gặp trong lao động, giao thông, sinh hoạt, thiên tai, chiến tranh. Bộ phận đứt lìa thường là ngón tay, ngón chân, một phần chi trên hoặc chi dưới, có thể nối lại thành công bằng vi phẫu thuật dưới kính hiển vi. Tuy nhiên để nối thành công, khi tai nạn xảy ra cần biết sơ cứu, bảo quản và chăm sóc đúng cách các bộ phận bị đứt (xem cách bảo quản chi đứt rời)
Cùng vào cấp cứu với Phương còn có Nguyễn Văn Phong, nạn nhân cũng bị giang hồ chém. Cánh tay phải của Phong bị tổn thương cơ, cẳng tay bị tổn thương 3 đoạn bó mạch thần kinh trụ, đứt gân gấp nông sâu ngón 4, 5. Bàn tay trái cụt đốt 3 ngón 2, 3, 4.
Theo Trung tá Đỗ Hữu Lương - bác sĩ điều trị của Phong, các bác sĩ đã phẫu thuật khâu nối thần kinh mạch máu, khâu nối gân cơ cho bệnh nhân giúp bàn tay sống tốt, mạch máu lưu thông. Bệnh nhân đang phục hồi, hiện tại chủ yếu được điều trị vết thương và tập trung vận động.
Tối 6/3, nhóm 8 thanh niên trong đó có Phương, Phong bị 4 người dùng dao tự chế tấn công. Nhóm người chém các nạn nhân được cho là giang hồ.
Khánh Ly
Post a Comment