Ông Bích đảm nhận việc canh gác, quét sân, lau dọn các điện, ban thờ, tượng Phật và hướng dẫn du khách đặt lễ theo đúng khu vực ở chùa Vĩnh Nghiêm từ năm 1989. Từ ngày 20 tháng Chạp hàng năm, chùa tấp nập người đến lễ, đặc biệt vào giao thừa và 3 ngày Tết, ông Bích và một người cùng làm túc trực 24/24 vì lượng khách đông kín.
“Mỗi ngày Tết có hàng nghìn người ghé chùa, dâng lễ, tôi hướng dẫn họ theo trình tự để tránh bị quá tải, đồng thời cũng canh chừng kẻ gian trà trộn móc túi. Vì khách vào chánh điện phải để giày dép ở ngoài nên kẻ gian cũng để ý và muốn lấy, tôi cũng vòng ra cửa liên tục để canh chừng. Đầu năm mới, mất mát bất cứ thứ gì đều không hay”, ông Bích chia sẻ.
Ông Bích xếp đồng xu cũ ra để sơn mới lại, chuẩn bị cho những ban lễ Tết Đinh Dậu. Ảnh: Thanh Tuyết. |
Từ tối 30 đến hết ngày mùng 5, ban ngày ông Bích phụ hướng dẫn khách tham quan dâng lễ, canh chừng kẻ gian, đến khuya đóng cửa chùa thì dọn dẹp lau chùi. Ngày Tết đông khách thì tối đến dọn dẹp cũng vất vả hơn ngày thường, có khi dọn xong đã thấy trời sáng, lại mở cửa đón khách.
"Tôi thường bắt đầu công việc dọn dẹp chùa từ 7h sáng, tối 8h đóng cửa, còn tháng Chạp và tháng Giêng thì 4h sáng đã thức giấc, và đóng cửa lúc 11h tối. Tôi tranh thủ chợp mắt vài tiếng khi nhờ người thân quen canh giùm", ông nói.
Ngày Tết bận rộn nên gần như ông Bích không có thời gian cho bản thân hưởng chút không khí Tết hay năm mới. Nhưng với ông, việc phụ nhà chùa và hỗ trợ khách để những ngày đầu năm suôn sẻ là niềm vui.
Gần 30 năm ăn Tết ở chùa, ông Bích cho rằng đó là cái duyên của mình. Vợ con ông hiện ở Lâm Đồng. Con trai cả năm nay 25 tuổi, đang đi làm ở quận Thủ Đức, trước Tết về nhà phụ dọn dẹp, sắm sửa với mẹ rồi mùng 1 lại bắt xe lên TP HCM phụ cha công việc nhà chùa. Điều này ông Bích không hề dặn con, mà anh tự nguyện đến phụ những ngày Tết để bớt phần vất vả cho cha.
Chùa Vĩnh Nghiêm nằm trên mặt đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đón hàng ngàn khách tới mỗi dịp Tết. Ảnh: Vinhnghiemvn. |
Chùa Vĩnh Nghiêm là điểm đến tâm linh bậc nhất vào đêm giao thừa và những ngày Tết ở TP HCM, có kiến trúc độc đáo. Các góc mái chùa đều uốn cong theo kiểu chùa miền Bắc: mái trước chồng diêm. Chính giữa đỉnh nóc có Bánh xe pháp luân và các góc có hình đầu phượng. Những công trình chạm khắc gỗ có bao lam tứ linh, bao lam cửu long, đặc biệt là có các phù điêu trên các hương án chạm các ngôi chùa danh tiếng ở trong nước và một số nước châu Á.
Post a Comment