Thứ sáu, 3/2/2017 | 12:03 GMT+7
|
Dù có thể trở thành con mồi của hổ bất kỳ lúc nào, nhưng người dân ở Sundarbans (Ấn Độ) vẫn tôn kính loài vật này và coi đây như một vị thần.
"Ngày 23/6/1884, tôi đã bị hổ vồ", Phoni Gyen ngồi nhìn ra bến tàu ở Sundarbans, bình thản kể lại kỷ niệm đẫm máu dưới ánh nắng mặt trời Bengal vào một ngày cuối năm 2016, bên cạnh là những khán giả bất đắc dĩ.
Buổi sáng hôm đó, Gyen đang đánh cá. Khi đứng ở bờ sông, ông nghe thấy tiếng ồn phát ra từ bụi cây gần đó. Gyen đã cố chạy thật nhanh nhưng không kịp.
Con hổ nhảy lên người, quật ông ngã xuống đất. Sau đó, một chân nó đặt lên ngực, một chân với những móng vuốt sắc nhọn cào lên mặt chàng trai trẻ. "Lúc ấy, tôi nghĩ mình chắc chết", Gyen nhớ lại.
Sau đó, một người đàn ông chạy từ dưới thuyền lên để giải cứu cho Gyen, nhưng con hổ đã cắp người đó chạy thẳng vào rừng.
Ngồi bên cạnh phóng viên Jack Palfrey của BBC và cùng nghe về câu chuyện này là Niranjan, người từng chứng kiến một con hổ khác đã giết cha mình khi anh mới 11 tuổi.
Cạnh anh là Sunil, người đàn ông có đôi mắt đỏ ngầu mỗi khi ai nhắc đến loài vật này. Vợ anh cũng là nạn nhân, chị bị hổ kéo từ thuyền đánh cá lên bờ và tha vào rừng.
Trong một ngôi nhà bằng gỗ lim, nằm giữa ruộng lúa với lối vào được lát gạch là Kaushalya Mondal. Cô đang ngồi lặng lẽ bên bếp lửa nhỏ để nấu ăn.
"Chồng tôi là ngư dân. Chúng tôi đang bắt cá trong rừng thì hổ tấn công vào năm ngoái. Nó đi thẳng về phía chồng tôi, kéo anh ấy xuống nước rồi lao vào rừng. Tôi không thể làm bất kỳ điều gì", Mondal kể lại với đôi mắt tối sầm và đau đớn.
Không chỉ 4 nhân chứng trên, còn rất nhiều người dân khác ở Sundarbans cũng là nạn nhân của hổ. Nhưng không một ai đổ lỗi cho chúng. Họ luôn nhận lỗi về phía mình bởi tín ngưỡng của người dân là tôn thờ Dakshin Rai (Thần Hổ).
Với mọi người, đây là vị thần bảo vệ rừng và cư dân trong khu vực. Khi vào rừng lấy mật ong, mọi người thường khấn lạy trong các đền thờ thần Dakshin Rai với hy vọng có thể về nhà an toàn.
Theo Saptarshi Mondal, một hướng dẫn viên cho du khách tham quan rừng ngập mặn Sundarbans, sự biến đổi khí hậu làm khan hiếm nguồn thức ăn của loài vật này. Nên con người, đặc biệt là ngư dân đi lạc sâu vào rừng để tìm các điểm câu cá sẽ trở thành mồi thay thế tốt cho hổ.
Cái tên Sundarbans bắt nguồn từ cây Sundari, một loài cây có nguy cơ tuyệt chủng và sống nhiều trong vùng ngập mặn.
Đây là loại cây gỗ cứng, thớ nhỏ, là vật liệu phù hợp để tạo ra các sản phẩm gỗ cao cấp, làm đồ nội thất. Người dân nơi đây tin rằng, nếu không có sự bảo vệ của chính phủ và loài hổ, rừng Sundari sẽ bị chặt phá.
Khoảng 2,5 triệu người đang phụ thuộc vào khu vực rừng ngập mặn để kiếm kế sinh nhai. Ngoài ra, việc mở các tour safari ngắm hổ trong khu vực Sundarbans cũng mang lại lợi ích cho người dân.
Do vậy, với họ, tuy có thể trở thành con mồi của hổ dữ bất kỳ lúc nào nhưng họ chưa bao giờ oán thán loài vật này. Họ tin hổ bảo vệ rừng và rừng bảo vệ người dân.
Sundarbans nằm trong vùng đồng bằng rộng lớn ven vịnh Bengal, được hình thành bởi hợp lưu của sông Hằng, Brahmaputra và Meghna, miền nam Bangladesh và đông Ấn Độ.
Phần thuộc Ấn Độ được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1987, trong khi phần còn lại thuộc Bangladesh được công nhận vào năm 1997.
Đây là một khu dự trữ sinh quyển lớn của thế giới. Sundarbans được ước tính rộng khoảng 4.110 km2, trong đó có 1.700 km2 rừng ngập nước bởi các con sông, kênh, mương lạch.
Nơi đây có một mạng lưới phức tạp của các bãi triều, bãi bùn và nhiều đảo nhỏ trong rừng ngập mặn. Rừng Sundarbans được coi là một trong những rừng ngập mặn lớn nhất thế giới.
Ảnh: BBC/Peepli.
Anh Minh |
Post a Comment