Giày xanh là tên mà những người leo núi sau này đặt cho thi thể Tsewang Paljor, nhà leo núi người Ấn Độ. Paljor chết trong tư thế nằm nghiêng, núp phía sau một khối đá lớn. Anh đã kéo mũ để che kín mặt, đôi tay khoanh trước ngực cho ấm. Đôi chân duỗi dài ra gần lối đi, buộc mọi người khi lên đỉnh núi phải bước qua đôi giày màu xanh lá của anh. Do đó, Paljor được mọi người đặt cho tên gọi là Giày xanh. Paljor chết mà cứ ngỡ như anh đang nằm ngủ, và vừa mới chợp mắt.
Giày xanh - thi thể gây ám ảnh nhất đối với những du khách leo Everest.
Thi thể của Giày xanh mắc kẹt trên núi, nằm không xa đỉnh Everest, như một dấu vết nghiệt ngã của công cuộc chinh phục đỉnh núi từ mặt phía bắc. Nhiều người cũng mất mạng trên ngọn núi này, nhưng thi thể của Giày xanh là cái tên được nhắc đến nhiều nhất.
Theo BBC, khoảng 80% người leo Everest từ mặt phía bắc đã nghỉ ngơi tại nơi Giày xanh nằm và rất khó để quên được hình ảnh của anh.
"Tôi tin chắc rằng, những người từng leo Everest đều biết về Giày xanh, hay đọc câu chuyện về anh ấy", Noel Hana, một nhà thám hiểm từng 7 lần chinh phục Everest thành công cho biết.
Paljor sinh năm 1968, là thành viên của lực lượng cảnh sát biên giới Ấn Độ - Tây Tạng. Anh qua đời vào năm 1996, trong một trận bão tuyết. Khi đó, chàng trai trẻ Ấn Độ mới 28 tuổi và chưa có bạn gái.
Gần 20 năm sau cái chết của Giày xanh, nhóm phóng viên BBC quay trở lại khuôn viên của gia đình anh, nằm ở Sakti. Lối đi vào nhà anh đầy cỏ dại cùng những bụi cúc nở hoa tươi tắn. Đón tiếp những vị khách phương xa là mẹ anh, năm đó đã 73 tuổi. Bà nồng nhiệt mời họ vào nhà, uống trà cùng bánh quy. Nhưng khi câu chuyện nhắc đến cái tên Paljor, gương mặt đang tươi cười của bà bỗng vụt tắt.
Ngôi nhà của gia đình Paljor. Ảnh: BBC. |
Paljor là một trong 5 người con của bà Tashi Angmo. Trong tâm trí của người mẹ già, anh là đứa con ít nói, rất tốt bụng nên được người dân trong làng quý mến. Và cũng vì nhút nhát nên anh chưa từng có bạn gái. Trong những lần tâm sự cùng em trai, Paljor cho biết anh quan tâm đến việc cống hiến cuộc đời mình cho một ý tưởng lớn lao hơn là chuyện kết hôn.
Là con trai cả, Paljor có trách nhiệm trợ giúp gia đình. Hết lớp 10, anh bỏ học để gia nhập đội cảnh sát biên giới. Cả gia đình rất ủng hộ sự nghiệp của cậu con trai lớn.
Nhưng khi biết con trai được nhận nhiệm vụ chinh phục Everest, đỉnh núi cao nhưng cũng rất nguy hiểm, bà Angmo đã ngăn cản con trai. Tuy vậy, anh vẫn lên đường.
Cái chết của Paljor từng trở thành tâm điểm của làn sóng tranh cãi, bao gồm cả việc anh và hai đồng đội khác đã chết vì leo núi trong thời tiết khắc nghiệt mà không tuân theo mệnh lệnh của chỉ huy.
4 người trong nhóm leo núi hôm đó, ngoại trừ Paljor còn có Tsewang Smanla và Dorje Morup, cùng người chỉ huy Harbhajan Singh. Singh nhớ lại, ông rất tự tin vào kỹ năng của 3 cấp dưới. Tuy nhiên, mọi việc xảy ra theo chiều hướng xấu là do mọi người trong đoàn đã không làm đúng theo mệnh lệnh.
Theo BBC, ít nhất hơn 200 người đã thiệt mạng khi chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới này. Ảnh: BBC. |
Các vấn đề bắt đầu từ sáng ngày 10/5/1996, nhóm leo núi đã xuất phát muộn lúc 8h, thay vì 3h30 như kế hoạch. Do vậy, mọi người đã sửa dây thừng để chuẩn bị cho việc xuống khỏi đỉnh Everest, thay vì lên đỉnh trước.
14h30 cùng ngày, đội đã lên gần tới đỉnh, nhưng gió thổi mạnh hơn. Khi đó, Singh yêu cầu nhóm của mình phải đi xuống, muộn nhất là 15h, sau đó bị tụt lại so với nhóm mà Paljor dẫn đầu. Ông ra hiệu cho cả nhóm quay lại, nhưng không ai làm thế. Bỏng lạnh và kiệt sức, Singh quyết định quay lại trại VI và đợi lính của mình.
15h hôm đó, khi liên lạc với quân của mình, Singh được thông báo họ đã gần đến đỉnh. E ngại thời tiết rất xấu, ông đã ra lệnh cho họ nhanh chóng quay lại nhưng Paljor xin với sếp được tiếp tục chinh phục đỉnh cao. Cuộc nói chuyện bị cắt đứt giữa chừng do thời tiết xấu.
17h35, Singh liên hệ được với những người lính. Họ báo rằng đã chinh phục được đỉnh Everest. Nhưng cả ba người đã không bao giờ có thể trở lại.
Nói về thời điểm đó, Harbhajan Singh, giờ đã là tổng thanh tra tại đội cảnh sát biên phòng, nhìn về phía xa xôi: "Nhóm chúng tôi hôm đó có 4 người. Tôi là người duy nhất sống sót".
Mặc dù Paljor đã chết một cách anh hùng trên đỉnh Everest, gia đình anh nhận được rất ít tiền trợ cấp. Mẹ của anh cho biết, đứa con với bà là vô giá và tiền không là vấn đề. </span>
Post a Comment