Phó giáo sư Thái Minh Sâm, Trưởng Khoa Tiết niệu cho biết, bệnh nhân đầu tiên là một cô gái Kiên Giang bị suy thận mạn giai đoạn cuối, đang chạy thận nhân tạo định kỳ từ tháng 4/2015. Người duy nhất trong gia đình có đủ điều kiện để hiến thận là cha dượng của cô. Hai người cho nhận thận đều có cùng nhóm máu B, tương đối hòa hợp miễn dịch nhưng người nhận lại có một kháng thể kháng lại HLA của người bố dượng. Nếu tiến hành ghép rất nguy hiểm, khả năng thải ghép tối cấp có thể xảy ra, thận ghép khó có thể kéo dài.

Bệnh nhân thứ hai là cô gái 32 tuổi ở Đắk Nông. Cô cũng bị suy thận mạn giai đoạn cuối, và được mẹ ruột hiến thận. Cặp mẹ con này cũng gặp tình trạng tương tự cặp trên là đều có cùng nhóm máu nhưng có một kháng thể dương tính với nhau, không thể tiến hành ghép.

Cả hai cặp đều có cùng nhóm máu B, sau khi được các bác sĩ giải thích đã đồng ý trao đổi chéo cho nhau. Người bố dượng của cặp thứ nhất cho thận người con gái cặp thứ hai và ngược lại. Nếu hoán đổi chéo nhau, kháng thể không chống kháng nguyên người cho, hòa hợp về mặt miễn dịch.

Các bác sĩ thực hiện mổ ghép thận. Ảnh: C.R

Các bác sĩ thực hiện mổ ghép thận. Ảnh: C.R

Ngày 11/1, hai cuộc mổ lấy thận qua nội soi được tiến hành song song bởi 2 ê-kíp, bắt đầu lúc 8h và kết thúc lúc 11h. Và hai cuộc mổ ghép cũng được tiến hành song song bởi 2 kíp phẫu thuật và kết thúc lúc 14h cùng ngày. Hai thận ghép đều hoạt động ngay sau khi mở clamp mạch máu, có nước tiểu ngay. Chức năng 2 thận trở về bình thường sau ghép 2 ngày. Bệnh nhân ổn định và xuất viện sau ghép 7 ngày. Hiện sau gần một tháng, sức khỏe của hai bệnh nhân đều đã hồi phục, trở về đời sống bình thường.

Hội ngộ các bác sĩ sau ghép thận chéo một tháng, hai nữ bệnh nhân khỏe khoắn nhanh nhẹn. Cơ duyên hoán đổi thận ba mẹ cho nhau, hai người phụ nữ giờ đây "coi nhau thân thiết như một gia đình lớn". Chấm dứt những tháng ngày tuần 3 buổi chạy thận nhân tạo gắn liền với bệnh viện, họ hồi phục trở về cuộc sống với thiên chức làm vợ, làm mẹ.

Theo phó giáo sư Sâm, ghép thận đổi chéo được thực hiện đầu tiên trên thế giới vào 1991 tại Hàn Quốc và hiện nhiều nước đã ứng dụng. Lý do đổi chéo có 3 dạng là: người hiến và người nhận không cùng nhóm máu; phản ứng chéo về mặt miễn dịch giữa người hiến và người nhận; người nhận có kháng thể chống lại kháng nguyên người hiến. 

Hai cô gái khỏe mạnh hội ngộ các bác sĩ một tháng sau ghép. Ảnh: Lê Phương.

Hai cô gái khỏe mạnh hội ngộ các bác sĩ một tháng sau ghép thận chéo. Ảnh: Lê Phương.

Ghép thận trên thế giới được thực hiện từ năm 1954, Việt Nam ghép ca đầu tiên vào năm 1992 với khởi đầu đều là ghép thận hiến từ người cho sống. Do nguồn tạng khan hiếm, danh sách chờ ghép ngày càng nối dài nên hiện có nhiều phương pháp mở rộng nguồn thận như nhận tạng từ người cho chết não, ngừng tim, tăng tuổi người hiến thận, đổi chéo người hiến thận, ghép không cùng nhóm máu…

Lê Phương

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top