"Rất nhiều người sẽ chết", Quinter Atieno (Kenya) cảnh báo. Nghèo khổ, ít học, thiếu nữ 17 tuổi hành nghề mại dâm để kiếm tiền và từng suýt chết khi phá thai "chui" cách đây 4 năm. "Tôi không thể nuôi dạy đứa trẻ nên quyết định bỏ", Atieno kể với ElleTại khu ổ chuột Korogocho, nơi tiếp giáp với "thùng rác thủ đô", nước sạch và điện được coi là xa xỉ còn chăm sóc y tế, bao gồm cả phá thai an toàn, thật quá xa vời.

"Tôi vô cùng đau đớn vì mất máu", Atieno nhớ lại lần tự phá thai bằng hỗn hợp thảo dược. Trải qua thêm 2 lần phá thai bất hợp pháp, cô gái trẻ may mắn sống sót. Không ít bạn bè của Atieno đã chết do uống thuốc độc, thảo dược tự chế, chất tẩy rửa hay thậm chí là việc chèn kim móc vào vùng kín.

Khắp thế giới, hàng triệu phụ nữ thiếu kiến thức cùng khả năng tiếp cận các biện pháp tránh và phá thai an toàn. Giờ đây, với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump khôi phục đạo luật New Mexico cấm sử dụng ngân sách Mỹ cho các tổ chức hỗ trợ phá thai toàn cầu, cuộc sống của những phụ nữ như Atieno sẽ càng trở nên khó khăn.

hang-trieu-phu-nu-bi-de-doa-tinh-mang-vi-trump-phan-doi-nao-pha-thai

Tổng thống Donald Trump ký quyết định khôi phục đạo luật Mexico City. Ảnh: Twitter.

Theo Huffington Post, đạo luật Mexico City được Tổng thống Ronald Reagan đưa ra năm 1984. Nó ngăn Mỹ tài trợ mọi tổ chức phi chính phủ cung cấp, tư vấn về kế hoạch hóa gia đình cùng lựa chọn sinh sản. Cấm đề cập đến phá thai khi phác thảo kế hoạch chăm sóc sức khỏe, đạo luật Mexico City hay bị gọi mỉa mai là "luật khóa miệng toàn cầu". Năm 2009, Tổng thống Barack Obama quyết định bãi bỏ đạo luật này.

Những người ủng hộ ông Trump lập luận đạo luật Mexico City bảo vệ quyền sống cơ bản. Tuy nhiên, bác sĩ phụ khoa John Nyamu (Kenya) nhận định: "Phụ nữ không được tiếp cận với dịch vụ tránh thai dễ mang bầu ngoài ý muốn, từ đó tăng số ca phá thai không an toàn". Trên thực tế, nghiên cứu của Đại học Stanford (Mỹ) phát hiện tỷ lệ phá thai tăng vọt sau lần khôi phục đạo luật Mexico City năm 2001 của tổng thống George W Bush

Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới vẫn liệt phá thai không an toàn vào danh sách 5 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở bà mẹ. BBC dẫn lời Effiom Effiom, giám đốc khu vực tổ chức Marie Stopes tại Nigeria cho biết: "Thiếu tài trợ của Mỹ, từ năm 2017 đến 2020, khoảng 1,8 triệu ca mang thai ngoài ý muốn sẽ xảy ra. Đi kèm với đó là hơn 660.000 ca phá thai và 10.000 sản phụ tử vong". Khoản đầu tư dành cho chăm sóc sức khỏe sinh sản ước tính lên đến 100 triệu USD của hàng loạt tổ chức như International Planned Parenthood Federation (IPPF) sẽ mất đi và "xóa sổ những bước tiến bao năm trời". Chưa hết, các phòng khám còn đối diện nguy cơ đóng cửa. Năm 2001, 5 cơ sở y tế tại Kenya đã phải dừng hoạt động. 

Nguy hiểm hơn, nếu trước đây đạo luật Mexico City chỉ dừng lại ở kế hoạch hóa gia đình thì ngày nay, dưới thời Donald Trump, nó tác động đến mọi lĩnh vực y tế. "Bằng việc cắt tài trợ các tổ chức đối phó với sốt rét và các vấn đề sức khỏe trẻ em khác, đạo luật này đe dọa sự tiến bộ về nhiều mặt, trong đó có nỗ lực giảm tỷ lệ tử vong do HIV, sốt rét cùng nhiều bệnh nhiễm trùng mới", tổ chức Bác sĩ Không Biên giới tuyên bố. Dẫn lời đại diện tổ chức Marie Stopes, tờ Independent cảnh báo phụ nữ các nước đang phát triển sẽ phải "trả giá" cho quyết định của ông Trump.

hang-trieu-phu-nu-bi-de-doa-tinh-mang-vi-trump-phan-doi-nao-pha-thai-1

Phụ nữ Mỹ tuần hành đòi quyền được phá thai. Ảnh: thehill.com.

Về phần Atieno, cô gái trẻ đang nuôi dạy đứa con 3 tuổi và tiếp tục mang thai. Dù bác sĩ địa phương khuyên ngăn, em vẫn nghĩ đến phá thai bởi khó lòng chăm sóc cùng lúc 2 em bé. Đối với những phụ nữ như Atieno, cái chết lúc nào cũng rất gần. "Ông Trump không nên lấy đi tài trợ", thiếu nữ 17 tuổi nghẹn ngào. "Ông ấy phải giúp đỡ nhiều hơn vì rất nhiều người sẽ chết".

Minh Nguyên

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top