Thời Pháp thuộc, Pháp biến Hà Nội thành thủ phủ của Đông Dương và xây dựng một số bệnh viện phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của cả người Pháp lẫn người bản xứ. Sau hơn 100 năm, các công trình còn sót lại hiện nay như Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai ít nhiều đều có sự "lột xác".
Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn
Nằm trên phố Chu Văn An, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn có tên cũ là Bệnh viện Saint Paul de Chartres, được Pháp xây dựng vào năm 1896. Bệnh viện đặt tượng thánh Paul trong khuôn viên và tiếp giáp với các đường, đại lộ lớn.
Từ năm 1911, Bệnh viện Saint Paul bắt đầu tiếp nhận chữa trị dân bản xứ thay vì phục vụ riêng quan quân Pháp. Mùa xuân năm 1955, bệnh viện được chính quyền cách mạng tiếp nhận. Ngày 26/6/1970, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn được thành lập dựa trên cơ sở hợp nhất 4 đơn vị gồm Bệnh viện Saint Paul cũ, Bệnh viện B Nhi khoa, Bệnh viện Khu phố Ba Đình và Phòng khám Phụ khoa Hà Nội.
Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức
Tiền thân của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là Nhà thương Bản Xứ, được xây dựng năm 1904 nhằm mục đích làm cơ sở thực hành cho sinh viên Trường Y Đông Dương (Đại học Y Hà Nội ngày nay) và chữa trị cho người Việt. Trên mảnh đất rộng khoảng 30.000 m2, cơ sở vật chất bệnh viện ban đầu khá nghèo nàn với 3 dãy nhà một tầng nằm song song với nhau, về sau mới bổ sung thêm.
Theo quá trình phát triển, Nhà thương Bản Xứ đổi tên thành Nhà thương Bảo hộ (1906-1943), Bệnh viện Yersin (1943-1954), Bệnh viện Phủ Doãn (1954-1958), Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - CHDC Đức (1958-1991) và cuối cùng là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
So với thiết kế hơn 100 năm trước, diện mạo của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức gần như thay đổi hoàn toàn, chỉ còn tòa nhà hành chính tương đối nguyên vẹn.
Bệnh viện K
Bệnh viện K, cơ sở đi đầu cả nước về phòng chống ung thư nằm ở đường Quán Sứ ban đầu được gọi là Viện Radium Đông Dương, do kiến trúc sư Charles Delpech thiết kế, xây dựng năm 1927. Ngày đó, Viện chỉ có một tòa nhà 2 tầng mang chức năng khám chữa bệnh, nghiên cứu, quản lý song mọi trang thiết bị đều thuộc hàng hiện đại bậc nhất thời ấy.
Chịu ảnh hưởng kiến trúc tân cổ điển Pháp, Viện Radium Đông Dương từng được coi như một tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu. Tới nay, tòa nhà vẫn giữ được dáng dấp xưa kia.
Bệnh viện Bạch Mai
Bệnh viện Bạch Mai phát triển từ Bệnh viện Lây Cống Vọng ra đời năm 1911. Năm 1929, Bệnh viện Lây Cống Vọng được mở rộng, trở thành Bệnh viện René Robin. Kiến trúc sư Charles Christian là người đảm nhận phần thiết kế đã dựa trên mô hình bệnh viện đại học ở Pháp, đem tới vẻ giản dị mà hiện đại cho công trình.
Trải qua 106 năm, các khu nhà của Bệnh viện Bạch Mai gần như bị che lấp bởi cây cối và rào chắn. Con đường Giải Phóng nơi bệnh viện tọa lạc cũng luôn tấp nập xe cộ.
Minh Nguyên
Post a Comment