Ngày 24/5, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cũng đề nghị Sở Y tế Hà Nội kiểm tra, xác minh sự việc được bệnh nhân phản ánh, bệnh viện chăm sóc và điều trị bảo đảm an toàn cho người bệnh.
Ngày 5/5 nữ khách hàng này đến Bệnh viện Chuyên khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ Kim Cương A&B ở Hà Nội để làm đẹp. Số tiền chị phải đóng 13.000 USD (gần 300 triệu đồng) để nâng mũi và nâng ngực, trong đó riêng chi phí nâng ngực 7.000 USD. Ca phẫu thuật nâng ngực kéo dài 7 giờ diễn ra vào ngày 13/5. Hôm sau cơ sở làm đẹp này cho chị xuất viện, song vì vẫn còn đau nên bệnh nhân yêu cầu được ở lại viện để theo dõi tiếp. Ngày 15/5 chị ra viện.
Một tuần sau ngực chị bắt đầu có biểu hiện bầm dập, vết mổ chảy máu và dịch, đau đớn. Chị quay lại bệnh viện và được cắt chỉ một bên, bác sĩ hẹn 2 ngày sau cắt tiếp chỉ bên còn lại vì bị chảy máu. Hiện vết mổ của chị chưa lành và vẫn còn đau.
Bệnh nhân cho biết đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo viện mà chưa thể gặp được nên đã ủy quyền cho một công ty luật thay mặt giải quyết sự việc. Ngày 23/5, chị đến viện khám lại và được cho thuốc về uống, tái khám hàng ngày.
Luật sư Đoàn Trọng Bằng, đại diện bệnh nhân cho biết đã gửi văn bản đến bệnh viện để yêu cầu trả lời. Tối 23/5, đại diện bệnh viện phản hồi hẹn chiều 26/5 đến làm việc. Tuy nhiên, luật sư không đồng ý vì mong muốn bệnh viện phải giải quyết ngay và cam kết cụ thể, có phác đồ điều trị cũng như hướng giải quyết cho bệnh nhân trong tình huống xấu nhất.
Theo đại diện bệnh viện, nữ khách hàng này đã được nâng ngực bằng cách đưa túi ngực trực tiếp vào qua đường mổ từ đầu nhũ hoa. Ca phẫu thuật do một bác sĩ người Hàn Quốc thực hiện. Đại diện bệnh viện cho rằng hiện tượng tụ máu vết mổ là do tổn thương mao mạch trong quá trình phẫu thuật và hoàn toàn bình thường, đặc biệt với các ca đại phẫu như nâng ngực. Tình trạng chảy dịch cũng là phản ứng tự nhiên của cơ thể trong quá trình giải phóng dịch máu cũ ra ngoài.
Bệnh viện cũng cho rằng phương pháp phẫu thuật với đường mổ từ đầu nhũ hoa thường làm tổn thương mao mạch hơn so với phương pháp khác nên có thể xuất hiện các vết bầm tím. Thông thường, khi mao mạch hồi phục, vết bầm tím này sẽ mất đi sau 20 ngày đến một tháng tùy cơ địa mỗi người. Đại diện bệnh viện cũng khẳng định hiện bệnh nhân không có biến chứng hay nhiễm trùng; không cần thiết chỉ định bất cứ can thiệp ngoại khoa nào khác
Theo biên bản Thanh tra Sở Y tế Hà Nội làm việc với lãnh đạo bệnh viện ngày 23/5, cơ sở thẩm mỹ đã theo dõi vết mổ cho khách hàng hàng ngày, từ khi cô được nâng mũi và ngực đến ngày 21/5. Thanh tra yêu cầu bệnh viện tiếp tục chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân, giải quyết những thắc mắc. Trong trường hợp có biến chứng liên quan đến phẫu thuật, bệnh viện cần tổ chức hội chẩn, chuyển tuyến cho bệnh nhân nếu cần thiết và báo cáo thanh tra Sở Y tế.
Phương Trang
Post a Comment