Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo cho biết sốt là khi nhiệt độ cơ thể từ 38ºC trở lên. Không nên dùng nhiệt kế thủy ngân để đo nhiệt độ cho trẻ. Miếng dán đo nhiệt qua trán cũng không chính xác, do đó không nên sử dụng. Phụ huynh có thể dùng nhiệt kế điện tử đo thân nhiệt. Trẻ dưới 2 tuổi có thể đo nhiệt độ qua hậu môn, nách. Trẻ từ 2-5 tuổi đo qua hậu môn, tai, nách. Trẻ trên 5 tuổi có thể đo qua miệng, tai, nách.
- Đo nhiệt độ qua hậu môn:
Bôi trơn đầu kim loại của dụng cụ đo điện tử, ví dụ bằng vaseline.
Để trẻ nằm sấp hoặc ngửa, nhẹ nhàng đút nhiệt kế vào hậu môn, khoảng 2,5 cm.
Giữ nhiệt kế bằng các ngón tay. Khi nghe tiếng bíp, lấy nhiệt kế ra, đọc và rửa sạch.
Để trẻ nằm sấp hoặc ngửa khi đo nhiệt độ qua hậu môn. |
- Đo qua nách:
Đặt đầu đo nhiệt kế vào trung tâm nách, ép tay trẻ vào sát.
- Đo qua tai:
Kéo vành tai ra sau, giúp làm ống tai thẳng ra, đo chính xác nhiệt độ hơn.
- Đo qua miệng:
Đặt đầu nhiệt kế dưới lưỡi, nhớ rửa đầu nhiệt kế trước và sau khi sử dụng.
Cách đo nhiệt qua động mạch thái dương (trán) hiện vẫn còn nhiều bàn cãi, có thể giá trị chính xác ở trẻ nhỏ nên thường được sử dụng để sàng lọc trẻ ở các cơ sở y tế và trường học.
Theo bác sĩ Thảo, sốt là triệu chứng của bệnh, không phải bệnh. Đây là phản ứng tốt của cơ thể đối với nhiễm vi trùng hoặc siêu vi, giúp hệ miễn dịch kháng lại các vi khuẩn, virus xâm nhập một cách hiệu quả. Sốt cũng giúp làm chậm quá trình sinh sôi của virus, vi trùng, tăng cường phản ứng bảo vệ cơ thể. Sốt hoàn toàn không gây tổn thương đến não bộ hoặc các cơ quan khác của cơ thể, trừ bệnh nhân suy tim, bệnh lý phổi đặc biệt, suy thận…
Không có bằng chứng cho thấy giảm sốt có thể giảm mức độ nặng hay tử vong của bệnh gây sốt. Hạ sốt quá tích cực không có ích cho cơ thể mà đôi khi còn ngược lại. Khuyến cáo điều trị hiện nay là không tập trung vào sốt mà vào bệnh gây sốt. Cần theo dõi tổng trạng của bé, các triệu chứng nguy hiểm khác của bệnh như ói nhiều, tiêu chảy nhiều, tiêu máu, thở mệt....
Cho trẻ đi khám khi sốt 2-3 ngày trở lên mà không có triệu chứng khác. Ảnh: M.N |
"Không khuyến cáo sử dụng lau mát hạ sốt", bác sĩ Thảo nói. Hiện có hai loại thuốc chỉ định cho trẻ em là Acetaminophen và Ibuprofen với hiệu quả giảm sốt tương đương nhau, sử dụng khi sốt từ 38,5 độ C trở lên và trẻ có biểu hiện đau, quấy, mệt mỏi.
Acetaminophen được dùng với liều 10-15 mg/kg/liều (tối đa 500 mg/lần), cách nhau tối thiểu 4 giờ, tối đa 4-5 lần một ngày. Thời gian tác dụng khoảng 30-60 phút sau uống. 80% trẻ uống thuốc sẽ giảm sốt được. Phản ứng phụ có thể gặp là buồn nôn, nôn, dị ứng, ảnh hưởng thận, tổn thương gan khi quá liều.
Ibuprofen có liều dùng 10 mg/kg/lần (tối đa 400 mg/lần), dùng nhiều nhất 4 lần mỗi ngày, cách nhau tối thiểu 6 giờ. Thời gian tác dụng thường dưới một giờ. Tác dụng kéo dài 6-8 giờ. Tác dụng phụ là có thể gây viêm loét dạ dày, chảy máu đường ruột. Sử dụng quá liều sẽ gây tổn thương đường tiêu hóa, tổn thương thận.
Đưa trẻ đến bác sĩ trong trường hợp sốt với bé dưới 6 tháng tuổi, đặc biệt dưới 3 tháng tuổi. Lứa tuổi này thường dễ bị nhiễm trùng, dễ biến chứng bệnh nên cần xét nghiệm sớm để tìm nguyên nhân. Ở trẻ trên 6 tháng tuổi, cần đi khám khi sốt 2-3 ngày trở lên mà không có triệu chứng khác, sốt xuất huyết. Trẻ đừ nhiều, ngủ nhiều, không đáp ứng, quấy khóc nhiều, ho liên tục, khò khè, khó thở, biếng ăn, bỏ ăn... cũng cần đi khám sớm.
Lê Phương
Post a Comment