Một số quốc gia như Mỹ, Ấn Độ, Mexico, Trung Quốc… đã nghiên cứu và ứng dụng ghép tế bào gốc điều trị tự kỷ. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này vẫn là dấu hỏi lớn, có nhiều ý kiến trái chiều từ chính các nhà khoa học và gia đình có con bị tự kỷ.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế vẫn chưa cấp phép nghiên cứu điều trị tế bào gốc cho trẻ tự kỷ. Tuy nhiên, theo giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Viện nghiên cứu Tế bào gốc và công nghệ gen Vinmec, không phải là không có cơ sở khoa học khi nghiên cứu ứng dụng phương pháp này. Ông cho rằng duy nhất tế bào gốc là có khả năng tác động ảnh hưởng đến sự trao đổi chất, cân bằng lại khả năng miễn dịch và khôi phục các tế bào não hay mô bị tổn thương trong cơ thể người bị tự kỷ.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hạnh, Trưởng phòng Công nghệ phôi, Viện Công nghệ Sinh học, nhận định trẻ bị tự kỷ thì thường các vùng não điều chỉnh trí nhớ, tập trung, chú ý, khả năng nói đã bị tổn thương. Về mặt lý thuyết, nếu được ghép tế bào gốc, sau một thời gian, tế bào gốc có thể giúp cơ thể cải thiện lưu lượng máu và oxy đến não, thay thế tế bào thần kinh bị hư hỏng và kích thích sự hình thành các động mạch mới. Từ đó làm giảm các triệu chứng thần kinh và cải thiện những vấn đề thiếu hụt ở não bộ của trẻ tự kỷ.
Một ca ghép tế bào gốc điều trị bại não. Ảnh do bệnh viện cung cấp. |
Hiện một số cơ sở y tế ở Việt Nam bắt đầu nghiên cứu phương pháp ghép tế bào gốc điều trị tự kỷ, song hiệu quả thực sự chưa được đánh giá cụ thể. Nhiều gia đình thậm chí đưa con ra nước ngoài điều trị bằng cách ghép tế bào gốc, chi phí rất cao nhưng kết quả không như mong muốn.
Gia đình chị Nguyễn Quỳnh Mai ở Hà Nội phát hiện con mắc chứng tự kỷ từ năm bé 2 tuổi sau một quá trình theo dõi và phát hiện những bất thường. Cháu gần như không nói được, hay la hét, chạy nhảy lung tung, không phản ứng với người thân. Bé học ở những trung tâm dành cho các trẻ đặc biệt nhưng tình trạng vẫn không cải thiện. Sau một thời gian tìm hiểu, gia đình quyết định điều trị cho cháu bằng ghép tế bào gốc.
"Chúng tôi đang hoàn tất những thủ tục xét nghiệm cuối cùng để ghép cho cháu", chị Mai cho biết thêm. “Ghép tế bào gốc đã có hiệu quả với trẻ bại não nên gia đình chúng tôi rất hy vọng phương pháp này cũng sẽ thành công trong điều trị chứng tự kỷ”, người mẹ chia sẻ.
Trên những diễn đàn dành cho các gia đình có con bị tự kỷ, thông tin về phương pháp điều trị ghép tế bào gốc được đặc biệt quan tâm. Rất nhiều gia đình tỏ ra kỳ vọng vào phương pháp này, nhưng cũng không ít ý kiến nghi ngại, thậm chí có phụ huynh phản đối mạnh mẽ.
"Thực chất ghép tế bào gốc có thể điều trị được tự kỷ hay không thì còn chờ đợi rất nhiều bằng chứng khoa học. Một phương pháp mới đòi hỏi cần được nghiên cứu một cách khách quan, trung thực, để tìm ra chỉ định hiệu quả nhất, tránh việc lạm dụng trong điều trị", giáo sư Liêm khẳng định.
Mỹ Tâm
Post a Comment