Núi Kinabalu nằm trên đảo Borneo (Malaysia) luôn tấp nập những quầy hàng rong dọc khắp các chặng đường lên xuống núi, bán đồ ăn địa phương cho du khách. Giữa các gian hàng ăn ồn ào là mùi hương nồng nàn của tôm nấu bơ, cá nướng hay cơm nếp nắm... nhưng đó vẫn chưa phải là loại đồ ăn hút khách nhất.
Điều kỳ lạ ở những hàng ăn chính là cơm nếp bọc trong một loài cây ăn thịt thành món ăn vặt phổ biến tại một số nước Đông Nam Á. Và đảo Borneo là nơi mà món lemang periuk kera (cơm nắp ấm) nổi tiếng nhất.
Cơm nắp ấm cũng là một món ăn vặt ở Thái Lan, nhưng nổi bật và nhiều hơn cả vẫn là Borneo, Malaysia. Video: ThaiPBS.
Lemang periuk kera là món ăn di sản của người Malaysia và có cách chế biến khác biệt với những loại cơm nếp bình thường bởi dùng cây nắp ấm. Để làm món này, phần bầu của cây nắp ấm phải được làm sạch trước khi nhồi cơm đã trộn nước cốt dừa, đặt đứng trong nồi hấp rồi hấp trong khoảng một giờ. Chế biến theo cách này, gạo nếp sẽ giữ được hương vị của dừa.
Những cây nắp ấm là biểu tượng của sự đa dạng sinh học ở núi Kinabalu. Ảnh: Alamy. |
Rachel Schwallier, giảng viên Mỹ, tới Borneo từ năm 2012-2013 để làm nghiên cứu về sự phát triển mạnh mẽ và đa dạng của cây nắp ấm. Khi biết loài cây này được dùng để nấu ăn, cô đã mở rộng đề tài và quay lại để khám phá thêm về văn hóa cùng những giá trị của các loài nắp ấm.
Schwallier phỏng vấn khách trên đường trekking về cơm nắp ấm và được biết cách nấu khác của một tộc người tại Borneo. Họ dùng cành khô làm củi đốt để lấy than, chọn nắp ấm đựng gạo và bọc bùn rồi đặt chúng vào than để nấu chín.
"Tôi may mắn khi được nấu món đặc biệt này với một gia đình dân tộc tại Borneo, cơm thấm đẫm nước cốt dừa vừa béo ngậy, vừa ngọt ngào và đậm vị", Schwallier chia sẻ.
Một gian hàng bán đồ ăn vặt trong chợ ở Kota Kinabalu. Ảnh: Alamy. |
Trong các gian chợ ở Kota Kinabalu trên khắp đảo Borneo, mỗi người bán hàng lại có cách biến tấu riêng với món cơm nắp ấm. Có người dùng thêm lá dứa thơm, số khác lại cho lạc hoặc sốt tôm để thêm hương vị cho cơm.
Cây nắp bình cất có bầu dài rộng như bình chưng cất lý tưởng để đựng gạo nấu hơn dù những loại thông thường cũng dùng được. Cây nắp bình cất có vỏ cứng và khó nhai hơn nhưng dễ tách cơm ra hơn. Trong khi người ta ăn được cả phần vỏ khá mềm dẻo và dễ nhai khi dùng cây nắp ấm loại thường.
Núi Kinabalu cao 4.095m. Leo tới đỉnh núi toàn đá, bạn có thể thấy lạnh run dù đang ở giữa một nước nhiệt đới. Phía dưới đỉnh là một khu rừng rậm rạp với những tán cây dày và nhiều sương mù còn những cánh rừng nhiệt đới nóng ẩm tọa dưới chân núi.
Đây là một trong những nơi có hệ sinh thái đa dạng nhất trên thế giới. Tại đây có rất nhiều dạng sinh vật sống bao gồm cả động vật và thực vật quý hiếm không thể tìm thấy ở nơi nào khác, trong đó có một số loài cây nắp ấm lạ. Loài cây này thu hút côn trùng bằng rất nhiều cách như mùi hương, màu sắc hay mật ngọt. Khi con mồi dính bẫy, các nắp ấm đậy lại và tạo dung dịch mềm từ bên trong khiến chúng không thể thoát ra.
Là loài cây biểu tượng cho đa dạng sinh học của núi Kinabalu, hình ảnh cây nắp ấm xuất hiện thường xuyên trên tờ rơi cho khách du lịch. Ngoài ra, trong các khu chợ ở Kota Kinabalu và khắp đảo Borneo, chúng còn là một phần quan trọng trong ẩm thực của người Malaysia bản địa.
Cùng với bảo tồn giá trị truyền thống thì người dân bản địa cũng đang tìm cách duy trì loài cây di sản này. Du khách tới Borneo vừa có thể thưởng thức món ngon độc đáo vừa được nghe chuyện về cuộc sống ở khu rừng "giàu có" nhất thế giới. Đối với dân du lịch thích leo núi ở Kota Kinabalu, một miếng cơm nếp bọc cây nắp ấm sẽ để lại hương vị khó quên trong chuyến trekking xuyên rừng của họ.
(Theo BBC)
Post a Comment