Giáo sư Võ Văn Chi, tác giả Từ điển cây thuốc Việt Nam, cho biết sâm Ngọc Linh còn gọi là sâm Ngọc Lĩnh, sâm Việt Nam hay sâm khu 5. Loài thực vật chỉ có ở Việt Nam này được các nhà khoa học đặt tên tiếng Anh gắn liền với địa danh sinh sống của nó: Panax Vietnamensis Ha et Grushv, thuộc họ Nhân sâm Araliaceae.

Theo ghi nhận của giáo sư Chi, từ xa xưa dân gian đã biết dùng thân rễ, rễ củ sâm Ngọc Linh để làm thuốc chữa bệnh. Các bộ phận này về sau mới được các nhà nghiên cứu đặt tên khoa học là Rhizoma et Radix Panacis Vietnamensis. 

Một số công trình nghiên cứu sơ khai ghi nhận ở thân và rễ củ sâm Ngọc Linh chứa 32 hợp chất saponin triterpen. Trong đó có ít nhất 30 hợp chất sanopin dammaran làm nên tác dụng sinh học chủ yếu của sâm.

Năm 1987, tiến sĩ Nguyễn Thới Nhâm (khi ấy là Giám đốc Trung tâm sâm Việt Nam) chủ trì hợp tác nghiên cứu về sâm với nhiều chuyên gia hàng đầu đến từ các viện dược liệu ở Ba Lan, Nhật Bản... Kết quả được công bố rằng thân và rễ củ sâm Việt Nam chứa đến 52 saponin triterpen có tính kháng khuẩn, kháng ung thư, axit béo... Trong đó có 26 saponin cấu trúc mới, tổng hàm lượng 10,82%. Giá trị này của sâm Ngọc Linh gấp 3 lần sâm Triều Tiên (26 saponin, hàm lượng 3,52%); hai lần sâm Mỹ (14 saponin, 3,83%) và Trung Quốc (23 saponin, 4,87%).

Đặc biệt, sâm Ngọc Linh mọc tự nhiên chứa hàm lượng sanopin toàn phần rất cao, còn có các hợp chất polyacetylen, axit béo như palnitic, stearic, oleic, linoleic, linolenic. Sâm cũng hội đủ 8 loại axit amin cần thiết cho cơ thể, 20 nguyên tố vi lượng như sắt, kali, mangan… Các thành phần khác là gluxit, tinh dầu. Thân rễ tươi chứa daucosterol.

Nhiều nghiên cứu chuyên sâu khẳng định sâm Ngọc Linh có công dụng tăng sinh lực chống lại sự mệt mỏi tương tự nhân sâm, đồng thời tăng khả năng thích nghi của cơ thể trước những bất lợi của môi trường. Các thành phần của thảo dược quý này cũng giúp bảo vệ tế bào, hồi sinh số hồng cầu và bạch cầu bị giảm, tăng nội tiết tố sinh dục. Ngoài ra còn có tác dụng kháng viêm, điều hòa hoạt động của tim, chống xơ vữa động mạch, giải độc gan, kháng khuẩn, đặc biệt "nhạy" với khuẩn streptococcus gây viêm họng.  

sam-ngoc-linh-thuoc-tien-noi-rung-thieng-viet-nam

Sâm Ngọc Linh được mô tả trong sách Từ điển Cây thuốc Việt Nam do giáo sư Võ Văn Chi biên soạn.

Hiện nay nhiều người muốn sử dụng sâm Ngọc Linh để bồi bổ cơ thể. Một bác sĩ nghiên cứu về y học cổ truyền công tác tại TP HCM khuyến cáo không phải ai cũng có thể dùng sâm Ngọc Linh mà nên sử dụng đúng thời điểm và đúng đối tượng, không nên quá lạm dụng. Việc bổ sung liên tục bất kỳ loại thảo dược nào trong thời gian dài đều không được khuyến khích và sâm cũng không ngoại lệ. . .

Sâm Ngọc Linh thích hợp dùng cho người bị suy nhược cơ thể, trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, người già, người bị thiếu máu, mới ốm dậy, nam giới cần tăng cường chức năng sinh dục, nữ giới muốn trẻ hóa… Có thể dùng trực tiếp sâm tươi hoặc phơi khô ngâm với mật ong, rượu...

Tuy nhiên, loại sâm này không nên dùng cho phụ nữ mang thai vì nó làm tăng nội tiết tố sinh dục dễ gây co bóp thành tử cung, ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Sâm có tính mát nên những người đang bị đau bụng thể hàn như tiêu chảy, lạnh bụng… tránh sử dụng. Trẻ quá nhỏ cũng không nên dùng vì cơ thể còn yếu ớt khó có thể hấp thụ được lượng dưỡng chất dồi dào từ sâm. Trẻ thấp còi, suy nhược muốn sử dụng nên tham khảo ý kiến bác sĩ. 

Lưu ý: Tránh dùng sâm ngay trước khi ngủ vì sẽ khiến cơ thể tỉnh táo, bồn chồn, phấn khích khó đi vào giấc ngủ.

Đây là loài cây thảo sống nhiều năm, cao từ 40 đến 60 cm, có khi đến một mét. Thân rễ nạc, đường kính từ một đến 3,5 cm, có thể đến một mét, nhiều đốt, mang theo những vết sẹo. Trên thân có nhiều rễ bên, cuối thân có rễ củ dạng con quay, hình trụ, có khi trông như nhân sâm.

Trong tự nhiên, sâm mọc dại rải rác hoặc thành đám dưới tán rừng ẩm thường xanh độ che phủ cao, ít dốc. Cây phân bổ dọc theo các con suối và trên đất nhiều mùn ở độ cao từ 1.000 đến 2.000 m, dược tìm thấy nhiều trong vùng rừng núi Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng. Sau này do làn sóng khai thác thương mại nên sâm tự nhiên dần cạn kiệt, trong khi nhu cầu sử dụng rất lớn nên giờ đây nó đắt hơn cả vàng. Sâm rừng chỉ còn sót lại ở những nơi địa hình hiểm trở ít người đặt chân đến.

Từ đầu năm 2009, Viện Dược liệu đã di thực 1.000 cây sâm Ngọc Linh về trồng tại trạm nghiên cứu cây thuốc Tam Đảo và đỉnh núi Thiên Thi, điểm cao nhất của Tam Đảo. Tỷ lệ sống sót đạt 72%, nhiều cây đã ra hoa và đậu quả.

danh-cuoc-mang-song-tim-sam-ngoc-linh-2

Một người dân đào được củ sâm tự nhiên nặng gần một kg, bán giá 200 triệu đồng. Ảnh: Đắc Thành

Theo tiến sĩ Chi, cả thân rễ và rễ củ sâm đều có thể dùng làm thuốc bổ như nhân sâm mà không lo bị độc. Thuốc này vị đắng, không độc, tác dụng kích thích nhẹ, khi dùng liều thấp giúp tăng khả năng vận động, tăng trí nhớ. Dùng liều cao có thể ức chế hệ thần kinh.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top