Năm 1990, cả nước ước tính có khoảng 70.000 ca ung thư, đến năm 2015 là 150.000 bệnh nhân mới. Như vậy, sau 15 năm số ca ung thư được phát hiện mới tăng gấp hơn 2 lần. Ước tính đến năm 2020, con số này sẽ khoảng 200.000 ca.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho rằng bệnh ung thư có xu hướng tăng không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các nước trên thế giới. Có nhiều nguyên nhân lý giải điều này.

Thứ nhất, tuổi thọ trung bình của người Việt tăng ở cả hai giới nhờ nhiều thành tựu y học trong chăm sóc sức khỏe (bình quân 73 tuổi). Tuổi càng cao, thời gian phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ càng dài thì tỷ lệ mắc ung thư càng cao.

Thứ hai, công tác tuyên truyền về bệnh ung thư tốt hơn xưa, người dân quan tâm nhiều hơn tới bệnh tật, đi khám tầm soát nhiều hơn nên được phát hiện ung thư sớm hơn.

Thứ ba, các phương tiện chẩn đoán ung thư tốt và hiện đại hơn, kết hợp với kinh nghiệm của người thầy thuốc giúp phát hiện ung thư nhiều hơn.

Thứ tư, do sự gia tăng của các nguy cơ gây ung thư đã được chứng minh qua nhiều công trình nghiên cứu.

vi-sao-ung-thu-tang-nhanh-tai-viet-nam

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K. Ảnh: N.P.

Theo giáo sư Thuấn, những nguy cơ gây ung thư có thể chia thành các nhóm sau:

Nhóm nguyên nhân bên ngoài

- Tác nhân hóa học như thuốc lá:

Thuốc lá chứa trên 4.000 chất khác nhau với khoảng 100 chất được chứng minh gây ung thư. Nó là nguyên nhân của hơn 30% các loại ung thư như phổi, họng thanh quản, thực quản... Ngay cả vú, cổ tử cung ở nữ giới cũng có liên quan.

- Dinh dưỡng không an toàn, không hợp lý:

Khẩu phần ăn có ít hoa quả, ít rau xanh, quá nhiều chất đạm, đặc biệt là mỡ động vật, làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng và nhiều ung thư khác.

Thực phẩm không an toàn là thức ăn có nhiều chất có khả năng gây ung thư như dưa muối chứa nitrat, nitrit gây ung thư thực quản, dạ dày; gạo mốc nhiều aflatoxin gây ung thư gan…

Làm gì để phòng bệnh ung thư?

- Nhóm tác nhân vật lý:

Tia X, tia phóng xạ gây một số ung thư như hạch, giáp trạng, máu…

- Nhóm sinh học:

Một số virus, vi khuẩn có thể gây ung thư như virus HPV u nhú ở người HPV dẫn đến ung thư cổ tử cung; virus viêm gan B gây viêm gan, xơ gan, ung thư gan; xoắn khuẩn HP khiến ung thư dạ dày…

Nhóm nguyên nhân bên trong:

Đó là các rối loạn di truyền nội tiết, chiếm khoảng 10% trong tổng số bệnh ung thư. Ví dụ phụ nữ có mẹ, chị/em gái bị ung thư vú thì nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn 4-6 lần so với người không có tiền sử bệnh. Dùng thuốc tránh thai thay thế lâu dài từ 10 năm trở lên thì nguy cơ ung thư vú cao hơn 2-4 lần so với người không dùng hoặc ít dùng.

Phó giáo sư Thuấn nhấn mạnh, một loại ung thư có thể do nhiều yếu tố, một yếu tố có thể gây nhiều loại ung thư, thời gian tiếp xúc nguồn gây bệnh càng dài thì nguy cơ ung thư càng cao…

Để phòng bệnh, bạn cần bỏ thuốc lá, duy trì chế độ dinh dưỡng an toàn, hợp lý; khám sức khỏe định kỳ; tập luyện thể dục đều đặn; tiêm văcxin phòng một số nhiễm trùng, virus, vi khuẩn.

Nam Phương

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top