Anh Phạm Tùng, quận 1, TP HCM, cho biết nếu như trước đây đặt phòng khách sạn khi đi du lịch, anh phải liên hệ trực tiếp với cơ sở lưu trú. Nhưng bây giờ anh thường xuyên đặt online qua các kênh trung gian, vì có nhiều thông tin cụ thể, hình ảnh, giá phòng, nhận xét của người dùng trước để đưa ra quyết định.

Tuy nhiên, không ít người vẫn gặp khó khăn khi đặt dịch vụ online ở Việt Nam. Giao diện không tiện lợi, không thân thiện với di động, liên kết thanh toán còn ít là những hạn chế khiến du khách phàn nàn khi sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, các kênh online chưa hỗ trợ nhiều ngôn ngữ, chủ yếu tiếng Việt và tiếng Anh, trong khi hơn 50% khách quốc tế đến Việt Nam đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc - những nước ít nói tiếng Anh.

du-khach-nuoc-ngoai-gap-kho-khi-mua-tour-online-den-viet-nam

Du khách nước ngoài đến Việt Nam. Ảnh: Thanh Tuyết.

Tại Ngày hội du lịch trực tuyến lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam ngày 5/7, Tổng cục Du lịch nhận định thương mại điện tử cũng như yếu tố số hóa là xu hướng “không thể đảo ngược” của ngành du lịch. Các công ty lữ hành, đại lý du lịch, hàng không, cơ sở lưu trú, khu du lịch… đều phải vận động theo xu thế này, thu hút lượng khách, đặc biệt là khách quốc tế đến Việt Nam.

Trước đây ít ngày, Tổng cục Du lịch cũng mới ra mắt website với giao diện mới. Ông Nguyễn Tuấn John, đại diện Hội đồng tư vấn du lịch (TAB Việt Nam) cho biết đây là sản phẩm quan trọng cho sự phát triển du lịch Việt Nam, không đơn thuần là cung cấp tin tức mà còn có giao diện thương mại điện tử liên kết với hàng trăm đơn vị trong ngành để hỗ trợ bán tour, vé máy bay, khách sạn… cho du khách nước ngoài.

du-khach-nuoc-ngoai-gap-kho-khi-mua-tour-online-den-viet-nam-1

Giao diện mới, cung cấp đa dạng thông tin các điểm đến, văn hóa, ẩm thực của website vietnamtourism.vn.

Trong năm 2017, trang web này sẽ ra mắt các phiên bản tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc, tiếng Nga, tiếng Nhật Bản để hướng đến 7 thị trường trọng điểm của du lịch Việt như Bắc Á, châu Âu, Đông Nam Á, Bắc Mỹ, Trung Quốc, Australia và Nga. Với mỗi thị trường sẽ có chiến lược tiếp thị riêng biệt cụ thể, như với khu vực Bắc Á sẽ tập trung vào du khách thu nhập cao với phân khúc nghỉ ngắn và nghỉ dài; với khu vực Bắc Mỹ sẽ đẩy mạnh sản phẩm du lịch văn hóa, di sản, di tích lịch sử.

Ngoài ra, các giải pháp khác được đề cập là phát triển đại lý du lịch trực tuyến, mô hình mua theo nhóm; liên kết thanh toán đảm bảo an toàn minh bạch cho người mua; tiếp thị du lịch trên mạng xã hội.

Đại diện Google Đông Nam Á có báo cáo dự đoán quy mô của du lịch trực tuyến khu vực này sẽ tăng mạnh từ 22 tỷ USD năm 2015 lên 90 tỷ USD vào năm 2025. Và Việt Nam là một “mỏ vàng" cần khai thác.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top