Người dân Madagascar tin rằng linh hồn người chết luôn hiện hữu. Họ duy trì nghi lễ tromba để gọi hồn tổ tiên thuộc dòng dõi hoàng tộc của bộ lạc Sakalava.
Thông qua nghi lễ, các vị vua quá cố sẽ truyền tải thông điệp tới con cháu của họ hay tới cả dân tộc. Đến nay, người dân vùng tây bắc và vùng phía nam Madagascar vẫn giữ gìn nghi lễ này.
Những người nghệ sĩ chơi nhạc trong nghi lễ. Ảnh: Lerka. |
Thông thường lễ gọi hồn diễn vào ban đêm, ngoài trời hoặc một địa điểm linh thiêng cụ thể. Bất cứ ai cũng có thể tham dự nhưng phải giữ im lặng trong suốt buổi lễ. Người diễn chính là những nghệ sĩ chơi nhạc, say sưa trong tiếng trống và tiếng đàn accordion mở ra cánh cửa dẫn đến thế giới bên kia. Những người hỗ trợ có thể là một hoặc nhiều gia đình hay cả bộ lạc.
Lễ tromba bắt đầu bằng nhạc chậm hoặc một thứ âm nhạc ai oán da diết, sau đó tiết tấu nhanh dần trong cả buổi lễ. Những người gọi hồn luôn ngồi chính giữa khán giả và phải thực sự tập trung. Họ mặc trang phục lambahoany bằng vải lụa truyền thống.
Người bị vong nhập. Ảnh: Generation. |
Khi nhịp độ âm nhạc tăng lên, người gọi hồn bắt đầu chuyển động nhiều hơn, họ co quắp người và vật lộn giống như những diễn viên trong phim kinh dị. Thậm chí, họ không kiểm soát được cơ thể mình, mắt cuộn lên và giọng nói biến đổi, chuyển thành giọng của những người đã khuất. Họ được cho là bị một hoặc nhiều vong nhập vào, cả phụ nữ, đàn ông, người già hay trẻ em, theo Generation Voyage.
Tiếp đó, người gọi hồn lầm bầm những những thông điệp mà người sống tin là linh hồn dưới cõi âm truyền lại. Tín đồ của nghi lễ tromba tin rằng những thông điệp họ nhận được từ người quá cố phải được tôn trọng và làm theo.
Video: Daily Motion.
Linh hồn của những người đã khuất luôn tồn tại trong tâm thức người Sakalava, hiện hữu qua nghi lễ tromba. Mặc dù họ không còn trong cuộc sống nhưng họ vẫn quan tâm đến tương lai con cháu và đất nước của họ. Vì vậy, người dân Madagascar cảm thấy việc xin lời khuyên từ những người quá cố là rất cần thiết trong cuộc sống.
Post a Comment