Anh Tùng ở thôn 11, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, cho biết anh trực tiếp ôm đưa vào viện rất nhiều người bị thương trong tai nạn giao thông 2 ôtô đấu đầu nhau hôm 30/6, trong đó có nạn nhân bị tử vong nhiễm HIV.
"Thấy người bị nạn tôi chỉ nghĩ là làm sao để cứu được người thôi chứ không nghĩ gì khác. Về nhà tôi vứt luôn cái áo vì dính quá nhiều máu", anh Tùng cho biết. Sau đó công an thông báo có nạn nhân HIV nên người tham gia cứu nạn bị dính máu thì lên trung tâm y tế huyện để được cấp thuốc dự phòng, anh Tùng đến gặp bác sĩ.
"Tôi 2 lần đến gặp bác sĩ ở Phòng khám Chuyên khoa HIV/AIDS và Điều trị nghiện chất, lần nào bác sĩ cũng nói chúng tôi là dân không được cấp thuốc mà muốn điều trị phải mua giá 1,2-5 triệu đồng một lọ", anh Tùng nói. Cuối cùng anh với một người khác mua 18 viên thuốc giá 700.000 đồng, dự định sang tuần mua thêm 48 viên nữa là đủ 2,4 triệu đồng.
Anh Tùng bức xúc: "Tôi cứu người không đòi hỏi gì nhưng hết sức bức xúc vì bác sĩ nói tôi là dân thường nên không được cấp thuốc”.
Theo bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum, thuốc ARV chỉ cấp cho những người bị rủi ro tai nạn nghề nghiệp như công an, y bác sĩ... làm nhiệm vụ. Trong trường hợp này, người dân tham gia cứu nạn nên trung tâm linh động cấp thuốc và điều trị miễn phí mặc dù chưa có quy định cụ thể. Trường hợp anh Tùng, trung tâm đã chậm trễ cấp phát thuốc dự phòng cho anh.
Chiều 3/7, ông Đào Duy Khánh, Giám đốc Sở Y tế Kon Tum cho biết đã gặp những người dân tham gia cứu nạn để chia sẻ vì sự chậm trễ trong cấp phát thuốc. Sở cũng xác minh việc bác sĩ bán thuốc ARV cho người dân phơi nhiễm HIV do tham gia cứu nạn.
Bác sĩ Thạc chia sẻ nỗi buồn có nhiều người phơi nhiễm HIV sau ca cấp cứu nạn nhân giao thông. Ảnh: N.H. |
Thông tin bị phơi nhiễm HIV khiến nhiều người lo lắng, kể cả nhân viên y tế và người dân. Anh Lê Tùng cho biết: “Ban đầu tôi hơi lo nhưng không sợ lắm vì bạn tôi có người bị HIV vẫn sống tốt”. Trong khi đó anh Lê Ngọc Đức 32 tuổi ở Đăk Hà cũng là một trong những người dân tham gia cấp cứu nạn nhân và bị dính máu, bị người nhà "chửi sao mày dại thế".
Khi ấy anh đang đến chăm vợ sinh ở Trung tâm Y tế huyện thì xe chở người bị nạn vào viện. "Thấy xe chở người bị nạn tới mình cũng không nghĩ nhiều lao vào ôm, khiêng nạn nhân vào buồng khám, máu dính khắp người. Sau biết có người bị nhiễm HIV tôi rất lo, may các bác sĩ động viên nên cũng an tâm". Trong khi bị người nhà chửi và phải chủ động tránh vợ con mới sinh, anh Đức tự an ủi "cứu người thì mình không thể lo xa được".
Bác sĩ Lê Thị Thạc là trưởng tua trực trưa 30/6 tại Trung tâm Y tế, chia sẻ nỗi buồn khi tất cả mọi người đã làm hết sức để cứu chữa nạn nhân song vẫn chịu nhiều chỉ trích trên mạng xã hội. Bác sĩ Thạc nhớ lại hôm ấy tất cả nhân viên viện đã rất nỗ lực khi cấp cứu nạn nhân. Nhiều nhân viên y tế, hộ lý và cả bảo vệ chạy đến hỗ trợ đưa nạn nhân vào phòng khám. "Do viện có ít cáng cứu thương nên nhiều người nôn nóng dùng tay không ôm, khiêng người bị nạn vào phòng khám. Một số y bác sĩ có bao tay bảo hộ, còn người dân thì dùng tay không, trong đó có 2 người tay bị trầy xước", bác sĩ Thạc nói.
“Tôi làm nghề nhiều năm rồi nên không lo sợ khi bị phơi nhiễm, chỉ có các em mới vào nghề còn sợ nên hỏi tôi rất nhiều, tôi phải động viên các em yên tâm. Chỉ buồn là có nhiều bình luận xấu trong khi chúng tôi đã làm hết sức để cứu chữa nạn nhân”, bác sĩ Thạc nói.
Chị Hồ Thị Hoa, hộ lý bệnh viện ngập ngừng nói: "Tôi sợ, lo lắng lắm. Được thăm khám, uống thuốc điều trị rồi mà vẫn không an tâm, uống thuốc vào thì người bị sây sẩm mặt mày, nôn mửa". Chị Hoa cho biết chỉ tham gia đẩy băng ca, dọn các vết máu, "không biết có đụng phải máu không nhưng vẫn sợ".
Bố con ông Hùng nhận bằng khen của UBND tỉnh Kon Tum vì đã nỗ lực cứu người bị nạn. Ảnh: N.H. |
Bác sĩ Nguyễn Hồ Định, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Đăk Hà cho biết, đến chiều 3/7 có 34 người tham gia cứu nạn nhân được uống thuốc phơi nhiễm HIV. Trong đó 24 người thuộc Trung tâm y tế huyện Đăk Hà và 10 người dân. 24 người bước đầy xét nghiệm sàng lọc âm tính với HIV, các mẫu máu đều được gửi lên tuyến trên, chờ 3 tháng sau kiểm tra mới xác định lại.
Ban An toàn giao thông tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh khen thưởng 36 cá nhân tham gia cứu hộ, đưa người đi cấp cứu. UBND huyện Đăk Hà cũng trao giấy khen cho 21 người có tinh thần dũng cảm giúp người trong lúc hoạn nạn. Trong đó, gia đình ông Lê Hùng (người lái xe đưa các nạn nhân đi cấp cứu) được Chủ tịch huyện tặng 4 giấy khen.
Ngày 30/6 hai chiếc ôtô đấu đầu nhau trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua KonTum khiến một người tử vong tại chỗ, 3 người tử vong tại bệnh viện, hơn 10 người bị thương. Trong số người chết có một phụ nữ nhiễm HIV đã điều trị dự phòng bằng thuốc ARV nhiều năm nay. Hàng chục người tham gia cấp cứu các nạn nhân khi ấy không biết người phụ nữ này nhiễm HIV nên đã bị dính máu trên người, nên phơi nhiễm HIV. Các chuyên gia cho rằng khả năng nạn nhân lây nhiễm HIV là thấp do người này uống ARV nhiều năm nay. Tuy nhiên bác sĩ khuyến cáo những người đang phơi nhiễm HIV cần cẩn trọng trong sinh hoạt tình dục (dùng bao cao su), không cho máu người khác, nếu phụ nữ đang nuôi con thì không cho con bú... cho đến khi có kết quả xét nghiệm cuối cùng là âm tính.
Nhật Hạ
Post a Comment