Anh Nguyễn Trọng Trí - điều dưỡng 5 năm tại Bệnh viện FV không thể quên ca mổ bắt con giữa đêm khuya với bác sĩ Hồ Thị Ngọc. Một giờ sáng, vừa kết thúc ca mổ ruột thừa, anh nhận được thông báo chuẩn bị dụng cụ cho ca mổ bắt con.

Thai rất to, mổ lần hai. Sản phụ là dân chơi thể thao, nên cơ thành bụng cứng, bác sĩ không tài nào banh cơ ra để lòn tay vào đón em bé. Khi rạch lại vết mổ cũ, máu ra khá nhiều, khiến phẫu trường bị mờ không xác định được thai nhi. Anh Trí và các điều dưỡng khác phải nhanh chóng hút máu, đưa dụng cụ, phụ bác sĩ banh vết mổ, rồi leo lên bàn nhấn bụng thai phụ để đón bé ra nhanh hơn. Sau khi mổ bắt con thành công, lại tiếp tục cầm máu, đóng ổ bụng. Công đoạn này mất gấp đôi thời gian lấy em bé. Xong ca này, anh Trí tay chân rã rời.

Anh Trí thường nói vui với đồng nghiệp rằng, bước vào phòng mổ như đi ở “tù”. Vì quy trình vôtrùng khắt khe, nên hầu như suốt ca làm việc, họ đều nhốt mình trong phòng mổ với mũ nón kín mít, dao kéo lạnh lẽo, băng gạc đẫm máu, đống máy móc và dây nhợ lùng nhùng. Thứ kết nối điều dưỡng với thế giới bên ngoài là chiếc điện thoại nội bộ mang số 1152. Mỗi khi gia đình có việc, con ốm, vợ đau, thông tin đều được người trực chuyển lời qua đường dây này.

polyad

Dù góp phần không nhỏ vào thành công của ca mổ, song điều dưỡng ít khi được biết đến.

Chị Nguyễn Ngọc Lam, người gắn bó với phòng mổ Bệnh viện FV từ những ngày đầu tiên cho biết, điều dưỡng được làm việc với nhiều bác sĩ phẫu thuật từ các chuyên khoa. Mỗi bác sĩ một lĩnh vực nên dụng cụ, máy móc, quy trình, thao tác… khác nhau. Đôi khi bác sĩ không cần dùng lời nói diễn đạt điều mình muốn, điều dưỡng chỉ nhìn ánh mắt cũng biết phải hỗ trợ gì.

Chị Lam vẫn nhớ ca phẫu thuật từ thiện năm 2012 của Giáo sư McKay McKinnon cho một bệnhnhân 17 tuổi. Khối bướu ác tính khá to làm biến dạng vùng đầu mặt nên khi bóc tách, nếu đưa dụng cụ, băng gạc không kịp thời là máu sẽ phun lên tận trần nhà.. Không chỉ căng mắt quan sát để tiếp dụng cụ rồi banh, vén vết thương, kẹp mạch máu, hút dịch...phụ bác sĩ, chị Ngọc Lam còn phải căng tai để nghe vị Giáo sư người Mỹ gọi tên dụng cụ bằng chất giọng khó nghe, chưa quen thuộc như các bác sĩ nước ngoài làm việc thường ngày tại bệnh viện.

Ca mổ bắt đầu lúc 9h15, kết thúc vào 20h40, chị Lam và đồng nghiệp tiếp tục băng vết mổ, dẫn lưu, chuyển bệnh ra phòng hồi sức, xử lý dụng cụ xong mới có thể thở phào nhẹ nhõm.

polyad

Đội ngũ điều dưỡng phòng mổ - Bệnh viện FV.

Ngoài việc thầm lặng hỗ trợ bác sĩ, điều dưỡng phòng mổ còn có trách nhiệm nâng đỡ tinh thần bệnh nhân. Ca trực gần đây, chị Lam tình nguyện làm “cọc” cho thai phụ ngắt véo. Sản phụ mổ cấp cứu vì vỡ thai ngoài tử cung. Cơn đau dữ dội vượt sức chịu đựng của bệnh nhân. Chị Lam phải trấn an: "Em cứ la cho thoải mái, tay chị đây, em cứ nắm chặt vào".

Điều dưỡng đôi khi cũng phải nghe bệnh nhân và người nhà la mắng. Anh Trí từng bị mắng tối tăm mặt mũi khi phụ mổ cấp cứu bệnh nhân gãy xương đòn do tai nạn giao thông. Đang phẫu thuật thì bệnh nhân đột ngột lên cơn tiền tai biến, phải hoãn lại theo dõi. Lúc đó bên ngoài có ca viêm ruột thừa đang chờ. Do nóng ruột và không hiểu nội tình bên trong, nên bệnh nhân ruột thừa tự ý đi ra khỏi khu vực phòng mổ, khiến người nhà kéo lên la lối.

Các ca mổ có dự tính thời gian, song không phải lúc nào cũng chính xác. Có ca phải kéo dài hơn dự kiến nên chuyện điều dưỡng phòng mổ làm việc, ăn, nghỉ quá giờ là bình thường, đôi khi cường độ làm việc lên đến 16 giờ mỗi ngày. Tính chất công việc đứng liên tục 8-10 tiếng đồng hồ, khiến không ít điều dưỡng bị giãn tĩnh mạch chân, phải đeo vớ điều trị. Dù góp phần không nhỏ vào thành công của ca mổ, song họ ít khi được biết đến.

Nghề điều dưỡng nhiều áp lực, điều dưỡng phòng mổ còn áp lực hơn gấp bội. Song với anh Trí hay chị Lam, ca mổ thành công, em bé cất tiếng khóc chào đời, bệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật… là niềm vui lớn. Nỗi buồn cũng có, cả phòng mổ im phăng phắc khi bệnh nhân đến viện cấp cứu chậm trễ, thai lưu, em bé đưa ra ngoài không còn sự sống... 

An San

Bệnh viện FV giảm 20% viện phí và phí phẫu thuật tại khoa ngoại tổng quát.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top