Bài viết trên The Sydney Morning Herald dưới đây là những cách Georgia Leaker,một cô gái độc thân Australia, đã áp dụng thành công để tiết kiệm tiền dù thu nhập không hề cao so với cộng đồng.  

Nhiều người cùng lứa với tôi thường tiết kiệm tiền bằng cách sống ở nhà với bố mẹ nhưng không tôi không chọn cách này. Tôi trả tiền thuê nhà hằng tháng trong khi vẫn có khoản tích lũy và không hề phải thu hẹp các giao tiếp xã hội.

Tôi 28 tuổi, là đầu bếp và lương tôi chưa bao giờ vượt quá 45.000 đôla Australia mỗi năm, cộng với một khoản thưởng ngoài và cộng tác viết lách là khoảng 2.000 đôla.

Mỗi năm tôi để dành được khoảng 10.000 đôla. Tôi dùng tiền đó để đi du lịch vì đó là sở thích lớn nhất và tôi không có ý định mua nhà (tôi không muốn sống cố định một nơi và nai lưng trả nợ suốt 30 năm). Nhiều bạn bè thường tưởng tôi thu nhập cao lắm khi thấy tôi hay vi vu nhưng kỳ thực đó là do tôi biết chi tiêu hợp lý.

co-gai-doc-than-chia-se-cach-tiet-kiem-10000-dola-moi-nam

Ảnh minh họa: Smh.

Tôi dùng ba tài khoản ngân hàng cho 3 việc khác nhau: chi tiêu, tiết kiệm và thuê nhà. Khi có lương, việc đầu tiên tôi làm là chuyển riêng số tiền thuê nhà và các hóa đơn phải trả sang tài khoản thuê nhà (tiền thuê nhà của tôi là 230 đôla một tuần). 

Số tiền còn lại được chia làm đôi: Một nửa chuyển tới tài khoản tiết kiệm, phần kia là tôi dùng chi tiêu - khoảng 240 đôla mỗi tuần. Tôi dùng khoảng 40 đôla mua đồ ở siêu thị và khoảng 50 đôla cho việc di chuyển bằng giao thông công cộng. Tôi chỉ ra ngoài ăn uống vào tối thứ 6 hay thứ 7 và tự đặt ra ngân sách cho việc này trước khi đi. Tức là, nếu ngân sách chỉ cho phép tôi uống một ly sinh tố, tôi chỉ mua một ly.

Có những ngày tôi thấy mình chỉ còn 5 đôla để tiêu trong 3-4 hôm trước khi lương về. Biết nấu ăn với những nguyên liệu còn sót lại trong bếp là cách cứu tôi những khi đó. Đậu lăng, mì ống, gạo có thể chế biến theo các kiểu khác nhau. Nếu bạn chưa biết nấu ăn, hãy học.

Nhưng ngân sách eo hẹp không có nghĩa là bạn phải ru rú ở nhà. Tôi vẫn có đời sống xã hội sôi nổi và tôi thích ra ngoài ăn với bạn. Tôi thường tự nấu ăn vào các ngày trong tuần nhưng thi thoảng vẫn tìm ra những quán ngon với giá hợp lý. Tôi chủ động rủ bạn bè tham gia các hoạt động miễn phí hay ít tốn kém, hơn là để họ rủ rê tôi vào những trò tiêu tiền. Tôi cũng học cách trì hoãn khi thích đôi giày đẹp, chiếc váy mới để cân nhắc cái gì thực sự cần cho mình mới mua. Tôi không có thẻ tín dụng mà chỉ trung thành với chiếc thẻ ATM cũ.

Tất nhiên, có những lúc tôi cũng vung tay. Gần đây, tôi tiêu 115 đôla vào một đôi giày chất lượng tốt tôi đang cần để đi trong nhà bếp, thay vì chỉ mua đôi rẻ giá 60 đô. Tôi cũng thích đi xem kịch và thỉnh thoảng vẫn mua vé. Tôi cho rằng mọi người không nên từ bỏ những việc mình yêu thích, chỉ là bạn đừng dùng tiền vào những thứ bạn không thực sự tận hưởng. Chìa khóa cho chiến lược mua sắm của tôi rất đơn giản: Để dành tiền cho những gì đáng mua.

Tôi có một thuận lợi là không mất tiền ăn trưa (vì tôi là đầu bếp) nhưng với những ai không được cơ quan hỗ trợ khoản này thì tôi cũng có kinh nghiệm nhỏ: Tôi từng trữ đầy pho mát và các loại gia vị trong tủ lạnh cơ quan. Chỉ cần mang thêm rau, thịt đã chế biến và mua ít đồ cuốn là tôi có bữa ngon và cả tuần chỉ tốn khoảng 10 đôla cho ăn trưa. 

Một yếu tố khác giúp tôi tiết kiệm thêm là: Tôi dị ứng với cà phê nên không tốn 4-5 đôla mỗi ngày cho món này. Như vậy là mỗi năm tôi để ra được thêm tới 1.500-1.600 đôla. Những khoản nhỏ góp lại sẽ được khoản to.

Vương Linh

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top