Suốt vài tháng tìm kiếm, nhà tuyển dụng không thấy ứng viên nào đáp ứng đủ yêu cầu cho việc vận hành kính viễn vọng lớn nhất thế giới.
Fast là tên gọi của kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới lắp đặt tại vùng miền núi tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Thiết bị này có khả năng thu thập các tín hiệu chưa từng được phát hiện trước đây từ vũ trụ và giúp nghiên cứu, khám phá thêm về cuộc sống bên ngoài Trái Đất.
Kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới Fast, lắp đặt tại Quý Châu, Trung Quốc. |
Vài tháng qua, Viện Khoa học Trung Quốc, cơ quan chủ quản của Fast, tổ chức tuyển dụng người điều hành thiết bị này với mức lương 1,2 triệu USD một tháng cùng nhiều khoản trợ cấp khác và chỗ ở miễn phí. Theo mô tả công việc, vị trí "Giám đốc hoạt động khoa học" sẽ chịu trách nhiệm thiết lập, tổ chức các ủy ban học thuật khác nhau nhằm vạch ra mục tiêu lâu dài cho Fast. Người này có trách nhiệm báo cáo kết quả thu được từ kính viễn vọng cho chính phủ theo kỳ hạn, đồng thời là người phát ngôn trước công chúng và giám sát việc chi tiêu cũng như ngân sách vận hành của thiết bị.
Ứng viên cần có ít nhất 20 năm làm nghề, từng dẫn đầu dự án về kính thiên văn vô tuyến quy mô lớn, có kinh nghiệm quản lý, có học vị giáo sư hoặc bằng cấp tương đương.
"Những yêu cầu này rất cao, khiến hầu hết các nhà thiên văn học trong nước phải đứng ngoài cuộc tuyển dụng, những người đủ điều kiện chỉ đếm trên đầu ngón tay", ông Wang, giám đốc phòng thí nghiệm của Viện Khoa học, cho biết.
Ông Wang còn chia sẻ rằng người điều hành Fast sẽ phải đối mặt với nhiều biến cố về kỹ thuật. Được hoàn thiện từ năm 2016 nhưng bộ thu tín hiệu và các tấm bức xạ di động trên kính vẫn đòi hỏi phải được kiểm tra thường xuyên. "Đây không phải là công việc của một nhà khoa học, nó dành cho siêu anh hùng", ông Wang nói.
Viện Khoa học hiện nhắm đến việc tuyển dụng các nhà khoa học nước ngoài. Tuy nhiên, việc này cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều nhà nghiên cứu phương Tây có trình độ và kinh nghiệm điều hành kính thiên văn cỡ lớn nhưng họ gặp rào cản về ngôn ngữ, văn hóa nếu làm việc tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, nơi đặt kính thiên văn còn là một trong những khu vực có điều kiện phát triển kém nhất Trung Quốc, có thể dẫn đến bất tiện cho cuộc sống của họ.
Một nhà thiên văn học ở Bắc Kinh cho biết nếu việc tuyển dụng ở nước ngoài không thành công, chính phủ nên nới lỏng yêu cầu cho các nhà khoa học trong nước: "Chúng tôi đã xây dựng được thiết bị đó với những nhà khoa học trong nước, vậy tại sao lại không tin hưởng để họ điều hành nó".
Thảo Nhi
Post a Comment