Cùng thời điểm này năm trước, chị Nông Thị Hảo (Chi Lăng, Lạng Sơn) đang trải qua những ngày u ám nhất cuộc đời. Chị mổ lấy con xong thì phải chuyển viện khác để truyền hoá chất chữa bệnh tan máu bẩm sinh. Con chị, bé Ngọc Lâm, sinh khi mới hơn 7 tháng, bị suy hô hấp. Người mẹ khóc cả ngày vì nhớ, thương con và vì mắc phải căn bệnh đã đeo sẵn án tử.

Khuôn mặt ảo não, đôi mắt lúc nào cũng sưng mọng năm trước, giờ đây là đôi mắt biết cười. Chẳng cần chồng phải nịnh nọt nữa, chị ăn vèo xong phần cơm của mình. Trong căn phòng điều trị đông kín bệnh nhân ở tầng 7, Viện Huyết học và Truyền máu trung ương, vào giờ cơm trưa, nhiều người đi qua thấy bộ dạng tươi tỉnh của chị còn khen: "Hảo dạo này xinh ra đấy, tóc mọc lên đẹp thế".

Bộ tóc dài trước kia đã rụng sạch sau những đợt hoá trị, giờ đây mọc lên thay bằng mái tóc ngắn, dày và xoăn. "Có tóc rồi nên hai con tôi không còn sợ mẹ nữa. Thấy mẹ về là lao ra ôm hôn", chị nói về hai con là bé Thuỷ Trúc (6 tuổi) và bé Ngọc Lâm (13 tháng tuổi).

nu-cuoi-con-tho-hoi-sinh-nguoi-me-tung-lieu-chet-de-sinh

Lúc vừa mang Lâm về, nhiều người tỏ ra lo ngại về khả năng nuôi sống cậu bé, vì quá nhỏ. Vài tháng sau cậu bé khỏe lên và các dấu mốc phát triển như mẹ. 

Chị Hảo (31 tuổi) và anh Tùng (32 tuổi) quen và yêu nhau từ thời đi làm công nhân ở Đồng Nai. Họ kết hôn 7 năm trước và sống ở quê nội Hà Nam. Không bằng cấp nên dù chăm chỉ làm lụng mà họ vẫn thường trực nỗi lo kinh tế. Hơn 3 năm trước, anh chị vay mượn và cùng đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Anh làm công nhân cơ khí, chị làm may. Cuối năm 2015, chị Hảo có bầu lần hai. Khi thai nhi được chừng 5 tháng, chị trở về nước chờ ngày sinh con.

"Con được hơn 6 tháng thì tôi mọc một hạch ở cổ gây đau và sốt đêm. Được cô bạn chở lên viện tỉnh khám, bác sĩ bảo tôi bị bạch cầu dạng tuỷ cấp tính và yêu cầu chuyển ngay xuống tuyến dưới. Lúc đó tôi còn không biết bệnh này là gì, còn bảo bác sĩ xin nằm đây mấy hôm vì nhà neo người chưa sắp xếp được ai đưa đi viện", chị Hảo kể. Trên gương mặt là nụ cười nhẹ nhàng, không vương chút buồn đau nào nữa.

Tại Viện Huyết học, chị Hảo được xác định mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Bệnh đã nặng, các bác sĩ đều khuyên chị bỏ thai để sớm điều trị. Cố chấp sinh con rất nguy hiểm cho chị, đó là chưa chắc em bé sinh đã nuôi được. "Lúc đó chỉ có mẹ ở viện với tôi. Mẹ khuyên tôi bỏ thai để giữ mạng sống, tôi không nghe thì mẹ nài nỉ", chị nhớ lại.

Hay tin dữ, anh Tùng bỏ dở công việc ở Đài Loan, nóng lòng từng ngày trở về. Tận bây giờ, anh vẫn nhói lòng nhớ về lúc đẩy cánh cửa phòng bệnh, nhìn thấy vợ nằm co ở một góc giường. "Người cô ấy phù lên, hạch sưng to không ăn uống, không ngoái cổ được, khắp người xung huyết", anh nói. Được bác sĩ vận động tâm lý, anh cũng khuyên vợ thêm, nhưng chị Hảo vẫn kiên quyết sinh.

Rất may là sau đó, các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai khám thai cũng đồng tình với quyết tâm của chị Hảo, dù nói trước đa phần các trường hợp bị bệnh này đều rất khó cầm máu khi sinh và tỷ lệ tử vong rất cao. Chị được dặn dò cố gắng nuôi con trong bụng qua 30 tuần. Vậy là một tháng sau đó, chị "thường trú" ở Viện Huyết học để chờ sinh.

Ngày mổ đẻ ở Bạch Mai, chị túm tay chồng, dặn dò phải chụp ảnh con cho mình xem. Chưa đầy một tiếng sau, con trai của họ được đưa vào lồng kính, còn chị Hảo mãi không thấy ra. 

Anh Tùng ngồi trước phòng mổ, hơn 4 tiếng, nắm chặt chiếc điện thoại, bên trong đó có hình ảnh con mới sinh. "Nhìn thấy các sản phụ khác lần lượt được đi ra, mà phòng của vợ vẫn im phăng phắc, chưa bao giờ tôi thấy thời gian lâu tới vậy", anh tâm sự.

Hơn 7 giờ tối, cuối cùng cánh cửa mở ra. Vợ anh đã tỉnh.

nu-cuoi-con-tho-hoi-sinh-nguoi-me-tung-lieu-chet-de-sinh-1

Với anh Tùng, mục tiêu hiện tại là chữa bệnh cho vợ, nên anh nghỉ làm, chấp nhận phải vay mượn.

Những ngày sau đó chị Hảo được đưa sang Viện Huyết học, tiếp nhận lộ trình truyền hoá chất, trong khi con thì vẫn nguy kịch ở Bạch Mai. Người mẹ chỉ biết khóc thương và nhớ con.

Qua nửa tháng tình hình bé khá hơn, từ 1,7 kg đã lên được 2 kg. Anh Tùng hiểu vợ mong gặp con thế nào nên trước khi cho bé về quê đã để hai mẹ con gặp nhau. Anh thuê một phòng nghỉ ngay cạnh viện và đón vợ xuống.

"Bữa đó tôi truyền xong thì được cậu em lên dìu 'trốn' khỏi viện. Trọn một đêm tôi được ôm con trong lòng ngủ", người mẹ kể. Thời điểm này tâm trạng của chị vẫn rất bi quan. 

Hơn một tháng sau truyền hoá chất đợt 1, chị Hảo được về quê với con. Chị vẫn nhớ như in, đôi mắt hoài nghi của con gái lớn lần đầu nhìn thấy mình. "Tôi truyền xong thì bị rụng hết tóc. Con gái đi học về thấy tôi cứ tròn xoe mắt nhìn, không nhận ra mẹ. Bà ngoại thấy vậy mới bảo: 'Trúc, lại với mẹ đi'. Nhưng ngày hôm đó, hôm sau con bé vẫn rất sợ", chị kể.

Từ bấy tới nay, thời gian chị Hảo ở viện nhiều hơn ở nhà. Anh chị buộc phải chuyển các con lên Lạng Sơn nhờ bà ngoại nuôi dưỡng. Thành thử, hai con cũng quấn bà nhiều hơn bố mẹ. 

"Nhiều hôm nghỉ về với con, dự định 7 ngày chỉ được 3 ngày là người mệt quá lại phải xuống viện. Nhớ con thế thôi, chứ về nhà cũng không dám ôm hôn con nhiều. Người mình đi viện toàn hoá chất, bệnh ngoài da, có lần về đã lây bệnh sang bé, nên từ đó chẳng dám ôm con ngủ nữa", chị gượng cười nói.

Với anh Tùng, sự chuyển biến của vợ cũng giúp anh nhẹ nhõm hơn nhiều. Năm trước chị rất chán nản vì bệnh, sau mỗi đợt truyền hoá chất, chị không thể ăn được gì. Nhiều hôm, nịnh vợ không được, anh giận bỏ luôn cả bữa không ăn. Nhưng năm nay, chị đã chịu khó ăn uống, hợp tác chữa bệnh.

"Con trai lớn lên, khỏe mạnh và đáng yêu thì cô ấy như có động lực hồi sinh từ bên trong. Giờ tình trạng bệnh vẫn như thế, thậm chí tệ hơn nhưng hai vợ chồng thì luôn vui vẻ", anh Tùng bộc bạch.

nu-cuoi-con-tho-hoi-sinh-nguoi-me-tung-lieu-chet-de-sinh-2

Phòng trường hợp con trai mắc bệnh giống mình nên ngay từ khi mới sinh, bé Ngọc Lâm đã được xét nghiệm và kết quả bình thường. Trong ảnh là hai con của chị Hảo.

Thông thường, những bệnh nhân khác chỉ cần 3-4 đợt hoá trị đã chuyển sang uống thuốc và khám định kỳ, nhưng theo bác sĩ Nguyễn Quang Hưng (Viện Huyết học và Truyền máu trung ương) thì cơ thể chị Hảo đáp ứng kém, nên dù đang truyền đợt thứ 6 vẫn chưa khả quan. Thời gian tới, chị Hảo cần kiên trì lộ trình điều trị.

Vì sức khoẻ chị yếu, không thể tự đi viện, nên suốt hơn một năm qua anh Tùng nghỉ việc hoàn toàn để chăm vợ. Kinh tế gia đình dù khó khăn, nhưng anh thà vay mượn chứ không để vợ một mình ở viện.

Sáng qua, anh dậy sớm, cho vợ ăn sáng, giúp chị truyền xong một đợt tiểu cầu. Anh dặn dò mọi người trong phòng để ý tới vợ, còn mình thì tranh thủ chạy xe về Lạng Sơn đưa các con đi chơi Trung thu.

"Mẹ bọn trẻ nhận được nhiều quà của bệnh viện lắm. Đợt này về không cần phải mua quà gì nữa", anh cười hiền nói. Người bệnh lâu năm ở viện chẳng ai không biết anh Tùng - người đàn ông hiền lành và tận tình chăm vợ.

Trung thu năm ngoái chị Hảo không được bên hai con. Năm nay cũng vậy. Nhưng chị đã mang một tâm thế khác. "Giờ có điện thoại đẹp rồi, anh ấy chụp nhiều ảnh gửi cho xem, còn bảo đêm nay sẽ tường thuật trực tiếp cho tôi xem các con chơi Trung thu nữa", chị cười nói.

Phan Dương

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top