Các chuyên gia của Trung tâm ung thư Parkway, Singapore, cho biết xạ trị là một phương pháp điều trị phổ biến đối với nhiều loại ung thư. Tuy nhiên trên thực tế không phải tất cả bệnh nhân đều biết khi nào cần xạ trị và tác dụng phụ của liệu pháp này.
Bệnh nhân đang được xạ trị chữa ung thư. Ảnh: News. |
Xạ trị còn được gọi là liệu pháp xạ, có thể được áp dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với các phương pháp khác như phẫu thuật, hóa trị hoặc thuốc. Xạ trị sử dụng những hạt năng lượng cao hoặc các sóng như tia X-quang, tia Gamma, chùm tia điện tử hoặc proton để phá hủy hay tiêu diệt các tế bào ung thư. Liệu pháp này sẽ giết chết vật chất di truyền trong các tế bào ung thư dẫn tới làm mất khả năng phát triển và lây lan của chúng.
Các bác sĩ thực hiện cần được đào tạo chuyên về xạ trị để xác định đúng liều lượng bức xạ mà bệnh nhân có thể nhận, từ đó đưa ra chỉ định phù hợp. Về cơ bản liều lượng tia xạ cần căn cứ vào từng ca cụ thể, thể trạng bệnh nhân, loại ung thư và vị trí khối u. Cần đưa tia xạ với liều lượng phù hợp tới vùng có khối u càng chính xác càng tốt, đồng thời đảm bảo an toàn cho những tế bào lành xung quanh.
"Khi nào tôi cần xạ trị" là câu hỏi phổ biến của nhiều bệnh nhân ung thư. Trên thực tế, xạ trị được áp dụng nhằm đạt đến một trong hai mục đích: Cứu chữa hoặc giảm nhẹ.
Xạ trị cứu chữa được thực hiện với mục đích chữa khỏi. Có nghĩa là các bác sĩ hy vọng phương pháp điều trị này (áp dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với các phương pháp khác) có thể loại bỏ hoàn toàn khối u, phá hủy nó trước khi lây lan, hoặc làm u co nhỏ lại rồi mổ lấy ra.
Xạ trị giảm nhẹ được áp dụng để giảm triệu chứng trong trường hợp khối u phát triển hoặc di căn. Mục đích là làm giảm khả năng tàn phá của khối u và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Thông thường, các bác sĩ sử dụng liệu pháp này nhằm làm giảm kích thức các khối u đã lan ra sát cột sống, thực quản hoặc phổi.
Hiện nay có ba cách xạ trị chủ yếu: Xạ ngoài, trong và xạ hệ thống. Việc lựa chọn cách thức nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như kích thước và vị trí khối u, độ tuổi của bệnh nhân, tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh.
Xạ ngoài là dùng máy để hướng trực tiếp chùm bức xạ tới vùng khối u. Có 6 cách xạ ngoài:
- Xạ trị điều biến liều (IMRT) là dùng các chùm bức xạ được điều chỉnh đúng với hình dáng khối u để giảm thiểu tổn thương các mô lành xung quanh.
- Xạ trị có hướng dẫn của hình ảnh (IGRT): Cần chụp ảnh khối u để lên kế hoạch và hướng điều trị riêng biệt.
- Xạ trị không gian ba chiều (3D-CRT): Chụp ảnh khối u ba chiều, chiếu chùm bức xạ liều cao thẳng vào khối u, nhờ đó giảm đáng kể lượng bức xạ ảnh hưởng tới các tế bào khác.
- Xạ phẫu: Chiếu các chùm tia xạ tập trung từ nhiều hướng phát ra một liều xạ mạnh nhắm thẳng vào khu vực khối u.
- Xạ trị lập thể: Dựa vào hình ảnh chi tiết, lập kế hoạch điều trị bằng máy tính 3D và thiết lập chiến lược điều trị để đưa ra liều lượng chính xác nhất.
- Xạ trị bằng máy cung cấp liều xạ từng lát, có thể sử dụng để diệt nhiều mục tiêu cùng một lúc.
Xạ trị trong sử dụng một dạng thức có tên gọi là xạ áp sát. Theo đó, tia xạ được đưa vào bên trong cơ thể người bệnh bằng cách cấy phóng xạ vào trong hoặc tiếp giáp với khối u.
Xạ trị hệ thống: Bệnh nhân sẽ nuốt hoặc được tiêm thuốc phóng xạ vào máu để điều hướng tới các tế bào ung thư.
Để đảm bảo độ an toàn tối ưu cho bệnh nhân trong quá trình điều trị, các bác sĩ xạ trị cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ điều trị chính để đưa ra phương thức xạ tốt nhất cho từng ca cụ thể. Mỗi phương án điều trị được thiết kế phù hợp với nhu cầu của từng bệnh nhân, loại và giai đoạn ung thư, kích thước và vị trí khối u cũng như tiền sử bệnh của từng người.
Suốt nhiều thập kỷ qua, xạ trị được chứng minh giúp điều trị triệt để nhiều loại ung thư, song nó cũng có một số tác dụng phụ nhất định. Tác dụng này khác nhau ở từng bệnh nhân, trong đó cảm giác mệt mỏi là phổ biến nhất. Tác dụng phụ cấp tính thường gặp là đau rát da quanh vùng xạ. Các cảm giác này sẽ biến mất dần khi liệu trình xạ trị kết thúc. Dù vậy không phải tất cả bệnh nhân đều bị tác dụng phụ, điều này có thể liên quan đến tiền sử bệnh, cấu tạo gene và thói quen sinh hoạt.
Post a Comment