Sau thoả thuận bí mật chỉ có ba người, ông Trầm Bê đồng ý cho ông Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng dù không đủ thủ tục.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung hành vi gây thất thoát 6.100 tỷ đồng của ông Phạm Công Danh và đồng phạm trong loạt sai phạm gây thiệt hại 19.000 tỷ xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Trong 6.100 tỷ đồng có khoản thiệt hại 1.800 tỷ đồng khi ông Danh dùng sáu công ty do mình thành lập đứng tên vay tiền Ngân hàng TMCP Thương Tín - Sacombank.
Vụ giải ngân "thần tốc" của Sacombank cho Phạm Công Danh
Sau phi vụ chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín từ bà Hứa Thị Phấn, ông Phạm Công Danh (chủ tịch tập đoàn Thiên Thanh) đổi tên nhà băng này thành Ngân hàng Xây dựng. Để có tiền tái cơ cấu, ông Danh đã gõ cửa một số ngân hàng, trong đó có Sacombank.
Ông Danh muốn vay tiền Sacombank nhằm thanh toán khoản vay 2.600 tỷ đồng trước đó tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam - BIDV. Với mục đích này, giữa tháng 4/2013 ông Danh đến Sacombank gặp ông Trầm Bê (chủ tịch Hội đồng tín dụng) để vay 2.000 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, ông Trầm Bê đồng ý và thống nhất với ông Phan Huy Khang (tổng giám đốc Sacombank) về việc cho ông Danh vay 1.300-1.800 tỷ, tài sản đảm bảo là bất động sản hoặc tiền gửi. Sau đó vài ngày, hai bên thống nhất khoản vay 1.800 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là nguồn tiền của VNCB.
Để gấp rút vay tiền của Sacombank, ngay hôm sau, cấp dưới ông Danh đến gặp ông Phan Đình Tuệ (phó tổng giám đốc Sacombank) và đem theo 6 bộ hồ sơ photocopy tư cách pháp nhân của sáu công ty. Những bộ hồ sơ này do phía VNCB lập khống, mỗi công ty vay từ 250 tỷ đến 350 tỷ đồng.
Nhận được hồ sơ, ông Tuệ đã chỉ đạo hai chi nhánh Sacombank Hưng Đạo và quận 8 cho sáu công ty trên vay. Ngày 25/4/2013, ông Trầm Bê ký phê duyệt hai tờ trình của chi nhánh Hưng Đạo.
Đầu giờ chiều 26/4/2013,lãnh đạo 6 công ty này ký vào Hợp đồng bảo lãnh cầm cố giấy tờ có giá do Sacombank phát hành. Theo đó, Sacombank Hưng Đạo bảo lãnh cầm cố bằng số tiền gửi 618 tỷ đồng cho khoản vay của hai công ty, tổng cộng 600 tỷ đồng. Sacombank quận 8 bảo lãnh cầm cố số tiền 1.236 tỷ đồng cho bốn khoản vay của bốn công ty còn lại.
Hai chi nhánh Sacombank trên đem các hợp đồng gồm Hợp đồng tiền gửi thanh toán không kỳ hạn, Hợp đồng bảo lãnh cầm cố giấy tờ có giá do Sacombank phát hành, Hợp đồng tín dụng của sáu công ty trên đến trụ sở VNCB để hoàn thiện các hợp đồng và giấy nhận nợ.
VNCB chuyển hơn 1.800 tỷ đồng vào đến tài khoản của Sacombank. Nhận được số tiền trên, hai chi nhánh của Sacombank đã giải ngân cho sáu công ty của ông Danh. Số tiền trên lập tức chuyển vào tài khoản của ông Danh tại Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB.
Ngày 27/4/2013, ông Danh đã ký ủy nhiệm chi chuyển gần 1.700 tỷ đồng vào tài khoản tại BIDV để trả nợ.
Đến ngày 26/4/2014, hết hạn hợp đồng tín dụng, Sacombank đã tự động thu hồi số tiền nợ gốc từ tiền gửi của VNCB tại nhà băng. Trong khi đó, VNCB không thu hồi được 1.800 tỷ đồng từ sáu công ty trên.
Vì sao lại chỉ vay 1.800 tỷ đồng?
Ông Trầm Bê khai việc bàn bạc về việc cho vay chỉ có ba người biết gồm: mình, ông Danh và ông Khang. Ông Trầm Bê cho rằng ông Danh với tư cách chủ tịch VNCB không được phép vay tiền của chính ngân hàng này nhưng có thể vay ở Sacombank nên đồng ý. Hồ sơ của sáu công ty dù chưa đầy đủ nhưng có tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB nên ông chấp nhận.
Theo cơ quan chức năng, dù Sacombank đã thu hồi được gốc song việc nhà băng này xem xét quyết định cho vay khi chưa thẩm định nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ vốn vay để xác định tính khả thi, hiệu quả của phương án vay vốn và khả năng hoàn trả nợ vay của khách hàng là chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện cho vay theo quy định pháp luật.
Hai chi nhánh Sacombank Hưng Đạo và quận 8 lập các báo cáo kiểm tra, giám sát vốn vay với nội dung khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, hoạt động kinh doanh bình thường khi chưa có đủ căn cứ là thực hiện chưa đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của tổ chức tín dụng.
Theo cơ quan điều tra, ông Danh dù cần 2.000 tỷ đồng nhưng không được vay đủ là bởi với chức danh chủ tịch Hội đồng tín dụng, ông Trầm Bê chỉ được phép phê duyệt mức 1.800 tỷ đồng. Nếu 2.000 tỷ đồng, ông Trầm Bê sẽ phải trình lên HĐQT Sacombank nên sẽ mất thời gian.
Cơ quan chức năng xác định, khi cấp dưới trình hồ sơ chưa đầy đủ về các khoản vay của sáu công ty nhưng ông Trầm Bê vẫn phê duyệt. Hành vi của ông Trầm Bê, Phan Huy Khang có dấu hiệu cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Với việc VNCB thiệt hại 1.800 tỷ đồng trên, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định ông Trầm Bê cùng 24 người có vai trò đồng phạm giúp sức để Phạm Công Danh gây thất thoát.
Kết thúc giai đoạn đầu điều tra đại án này, hồi đầu năm, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm, tuyên y án 30 năm tù đối với ông Danh cùng 35 đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Toà buộc các bị cáo liên đới nộp lại hơn 9.000 tỷ đồng thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng. Cục Thi hành án TP HCM đã thu hồi được hơn 5.000 tỷ đồng. Đến đầu tháng 7, ông Danh và đồng phạm tiếp tục bị đề nghị truy tố do gây thiệt hại thêm 6.000 tỷ đồng cho VNCB, trong đó có thương vụ Sacombank cho sáu công ty vay 1.800 tỷ đồng. |
Post a Comment