Cả hai được đưa đến bệnh viện cấp cứu với gương mặt và cổ đầy máu, mũi bị đứt gần hết, một bên má phải mất mảng da to.

Các bác sĩ khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết đây là hai trong những ca bị chó cắn gây tổn thương nghiêm trọng nhất mà khoa từng điều trị.

Các bé vẫn đang nằm viện để được chăm sóc. Ảnh: Hoàng Lê

Các bé vẫn đang được chăm sóc tại bệnh viện. Ảnh: Hoàng Lê

Trường hợp thứ nhất, bé trai 5 tuổi nhập viện ngày 4/1 với gương mặt bị mất một mảng thịt lớn, toàn bộ mũi gần như đứt mất. Theo người nhà, mẹ bé đang nấu ăn dưới bếp, nghe tiếng con ở nhà trên khóc lớn, mẹ chạy lên thì thấy chó nhà nuôi vồ cắn vào mặt con. Phải vài phút đánh vật, người lớn mới tách bé ra khỏi con chó. Phần da mặt và mũi vẫn còn nằm trên thềm nhà.

"Khi đến bệnh viện, gương mặt của bé biến dạng khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Phần thịt mũi được người bố bảo quản trong thùng đá nhưng không đủ tươi để ghép. Hiện chúng tôi đang điều trị kháng sinh, ngừa nhiễm trùng. Mặt bé chắc chắn sẽ có sẹo vĩnh viễn", bác sĩ nói.

Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), cho biết đây không phải là trường hợp duy nhất nhập viện vì chó cắn trong những ngày đầu năm. "Một trường hợp khác còn thương tâm hơn. Bé một tuổi bị chó nuôi trong nhà cắn mặt, đùi cổ, gây đứt khí quản. Phải vất vả lắm các bác sĩ mới giúp bé qua nguy kịch", ông Hiếu nói.

Cũng theo bác sĩ Hiếu, những vết thương do chó cắn dễ gây nhiễm trùng và để lại sẹo suốt đời. Tại khoa Răng Hàm Mặt, mỗi năm đều có hàng chục bé bị chó cắn với mức độ tổn thương nặng và đã có trường hợp tử vong.

"Tình hình đáng báo động đến các phụ huynh có con nhỏ và nhà có nuôi chó. Nếu nhà có nuôi chó, chó cần phải được khóa mõm, không cho trẻ tiếp xúc gần, chó nuôi cần được tiêm phòng dại", bác sĩ Hiếu khuyến cáo.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top