Cách đây 4 năm, cột sống của Như (15 tuổi) bắt đầu cong vẹo rõ, dáng đi khó khăn. Bác sĩ tại một bệnh viện TP HCM đã kiểm tra kết luận cột sống cong 60 độ, điều trị phục hồi chức năng, thay nẹp, tái khám nhiều lần nhưng tình trạng không cải thiện. 14 tuổi bắt đầu có kinh nguyệt, cột sống của Như cong vẹo nặng hơn. Tháng 4/2017, gia đình đưa con đến giáo sư Võ Văn Thành.

Giáo sư Võ Văn Thành, Cố vấn Đơn vị Cột sống, Bệnh viện Trưng Vương (TP HCM) cho biết phương pháp điều trị bảo tồn khiến cho cột sống của bệnh nhân từ một đường cong vẹo thành 3 đường cong lớn 46 độ, 110 độ và 70 độ. Thông thường cong vẹo cột sống trên 40 độ đã chỉ định mổ, trường hợp này bắt buộc phải phẫu thuật sớm, không thể bảo tồn bằng phục hồi chức năng.

Cột sống bệnh nhân sau khi phẫu thuật và trước đó.

Cột sống bệnh nhân sau khi phẫu thuật và trước đó.

Bác sĩ Hồ Nhật Tâm, Trưởng Đơn vị Cột sống, Bệnh viện Trưng Vương cho biết bệnh nhân bị vẹo cột sống do hội chứng Marfan. Khi vào viện bệnh nhân chỉ cân nặng 36 kg, thở khó, có biểu hiện tim mạch, mạch nhanh. Bé Như được bác sĩ tim mạch điều chỉnh nhịp tim, bác sĩ dinh dưỡng giúp tăng cân, nâng đỡ thể trạng. Đồng thời bé được tập phục hồi chức năng trước mổ để thở tốt chuẩn bị cho ca mổ.

Ngày 26/12/2017, các bác sĩ tiến hành cuộc phẫu thuật kéo dài 6,5 giờ để nắn chỉnh, hàn xương giúp thay đổi hình dạng cột sống. Bé được bắt 21 ốc, 2 thanh nối dọc, 2 thanh nối ngang để cố định cột sống. Bệnh nhân mất khoảng 850 ml máu, được sử dụng kỹ thuật truyền máu hoàn hồi, sử dụng lại chính lượng máu đã mất để truyền. 

"Thường cột sống cong trên 100 độ, tỷ lệ nắn chỉnh đạt được trên 40% là tốt. Trường hợp này bệnh nhân được nắn chỉnh, sửa chữa trên 64%", giáo sư Thành phân tích. Chiều cao bệnh nhân tăng thêm 7 cm, từ 1,48 m trước mổ lên 1,55 m.

Cột sống Như hiện đã thẳng, đi đứng thoải mái. Ảnh: Lê Phương.

Cột sống Như hiện đã thẳng, đi đứng thoải mái. Ảnh: Lê Phương.

Ngày 5/1, Như có thể thoải mái đi đứng, vui vẻ trò chuyện cùng mọi người thay vì vẻ tự ti, khép kín như trước. "Em rất thích mặc áo dài nhưng trước giờ toàn phải mặc áo rộng, cột sống bất thường rất ngại với bạn bè", Như chia sẻ.

Bác sĩ khuyến cáo vẹo cột sống thường gặp ở trẻ nữ nhiều hơn nam, không rõ nguyên nhân, đa số phát hiện lúc đi học qua khám sức khỏe học đường. Đối với trẻ vẹo cột sống 20-40 độ có thể mang nẹp, phục hồi chức năng nhưng trên 40 độ thì việc phục hồi thường không tác dụng, phải phẫu thuật. Trẻ cần được bác sĩ chuyên khoa theo dõi, chọn lựa hướng xử trí kịp thời giúp tăng hiệu quả, an toàn hơn để đến lúc vẹo nặng.

Lê Phương

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top