Theo bác sĩ Trình Ngô Bỉnh, Khoa Da liễu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park TP HCM, thời tiết ngày hè oi bức, nắng nóng, người hoạt động ngoài trời nhiều nhưng không che chắn dễ khiến da bị cháy nắng. Da nổi hồng và đỏ, đau hoặc rát, cảm giác nóng khi sờ vào và có thể nổi nhiều mụn nước. Một số trường hợp nặng thường kèm sốt, mệt mỏi, nhức đầu. 

Nguyên nhân da bị cháy nắng là do tia UVA (có bước sóng 320-400 nm) và UVB (290-320 nm). Tia UVA xuyên sâu vào da có thể làm tổn thương hệ miễn dịch của da, khiến da nhanh chóng mất đi độ đàn hồi và thúc đẩy sự xuất hiện các vết nám, nếp nhăn. Tia tử ngoại làm da cháy nắng và có thể gây ung thư da. Thời gian cháy nắng tùy thuộc vào từng loại da, cường độ ánh nắng mặt trời và thời gian phơi nắng. Người có làn da trắng dễ bị cháy nắng hơn người da đen. 

Cách chăm sóc da bị cháy nắng. 

Mùa hè da bạn dễ bị cháy nắng. 

Để chăm sóc da bị cháy nắng, bạn nên "bỏ túi" 5 cách sau đây:

- Chườm đá lạnh hoặc tắm giúp da mát và cân bằng nhiệt độ vùng da bị cháy nắng. Không dùng đá hoặc nước quá lạnh chườm trực tiếp lên vùng da bị cháy nắng.

- Uống nhiều nước giúp da khỏe mạnh, sớm hồi phục. Có thể uống nước trái cây có nhiều vitamin E, A, C như cam, bưởi, cà chua, cà rốt...

- Sử dụng các loại kem hoặc gel có chức hoạt chất làm mát.

- Tránh nắng trong thời gian bị cháy nắng.

- Uống thuốc kháng viêm NSAID trong trường hợp sưng đau nhiều.

Bác sĩ Bỉnh cho hay, cháy nắng ít nguy hiểm hơn bỏng nắng. Bỏng nắng thường có dấu hiệu sốt, ớn lạnh, đau dữ dội, phồng rợp, mạch đập nhanh, thở mạnh, nổi bóng nước chiếm gần 20% diện tích cơ thể. Khi có dấu hiệu này, bạn cần đến bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán và điều trị kịp thời. Thời gian gây bỏng nắng thường lúc 11h đến 14h khi tia cực tím tập trung cao. 

"Nếu có việc cần ra nắng hay đi du lịch ngày hè, bạn nên mặc quần áo dài tay, đội nón rộng vành, đeo kính chống nắng, khẩu trang và thoa kem chống nắng", bác sĩ Bỉnh khuyên. 

Cao Khẩm

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top