Bức ảnh 4 cặp sinh đôi cùng dòng họ đang được chia sẻ rộng trên xã hội, thu hút hàng chục nghìn người quan tâm.

Chia sẻ với VnExpress, Phương Trâm, 21 tuổi, cô gái sinh đôi xuất hiện trong bức ảnh, cho biết đó là các anh chị em họ nội Nguyễn Công của cô, ở thôn Nhuệ Ngự, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Ảnh được chụp nhân dịp đại gia đình tụ họp vào dịp 30/4 - 1/5 vừa qua. 

Bức ảnh 4 cặp sinh đôi trong dòng họ Nguyễn Công.

Bức ảnh 4 cặp sinh đôi trong dòng họ Nguyễn Công. Hầu hết các ca sinh đôi trong dòng họ này đều là cùng trứng, nên cùng giới tính.

"Ông nội tôi có 7 người con, trong đó bố tôi có một cặp sinh đôi là chị em tôi. Em trai ông nội có 3 con gái thì 2 người cũng mang song thai, sinh ra hai bé mặc áo vàng, và hai bé nhỏ nhất chị em tôi đang bế. Cặp bé trai mặc áo xám chúng tôi phải gọi là anh, vì đó là cháu của anh ông nội", Trâm giải thích.

Cô gái 21 tuổi cho biết hiện tại cả dòng họ 200 người có 7 cặp sinh đôi, ngoài các bé trong ảnh còn 3 cặp là các cô chú khác, và một bộ ba hiện định cư ở Đức (2 trai, một gái). Cặp lớn nhất 55 tuổi, cặp bé nhất mới 5 tháng. 

Bố Trâm cho biết thêm nếu tính từ đời ông bà trước đó cũng có tới trên dưới 10 cặp song sinh. "Vì cả dòng họ có nhiều gia đình sinh đôi, nên mỗi khi nhà ai đó thông báo mang bầu như vậy, chúng tôi cũng không ai thấy bất ngờ nữa", Trâm chia sẻ.

Phương Trâm (trái) và Ngọc Trâm (phải).

Phương Trâm (trái) và Ngọc Trâm (phải).

Phương Trâm hiện là sinh viên Đại học Y Hải Phòng. Em gái cô là Ngọc Trâm, đang học tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Người ngoài khó phân biệt được nếu chỉ gặp họ vài lần. 

"Vì vẻ ngoài giống nhau nên thời đi học, thầy cô giáo bạn bè không biết phân biệt hai đứa thế nào. Cuối cùng, cô tách hai đứa ra, mỗi đứa ngồi một góc. Sau này quen hơn mọi người dễ dàng nhận thấy sự khác biệt", Phương Trâm cho hay.

Nhiều năm nghiên cứu về ADN, xét nghiệm di truyền tại Việt Nam, Đại tá Hà Quốc Khanh, giám định viên tư pháp, Nguyên Viện phó Viện Khoa học hình sự, cho biết trường hợp cả dòng họ có nhiều cặp sinh đôi, sinh ba như trên khá hiếm. Tuy nhiên, ông cho biết về mặt khoa học, hiện tượng này không thể khẳng định là hoàn toàn do gene di truyền, vì có thể phụ thuộc nhiều yếu tố như gia đình, hoặc có thể chịu tác động từ điều kiện sống, từ môi trường xung quanh...

Mộc Miên

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top