Gần 3 tháng sau thảm họa cháy chung cư Carina tại TP HCM khiến 13 người tử vong, 91 bệnh nhân cấp cứu tại các viện đều đã xuất viện, trở về với cuộc sống cùng không ít những mất mát, thương tổn không dễ nguôi ngoai. Với các y bác sĩ, việc cứu sống toàn bộ bệnh nhân nhập viện là nỗ lực phối hợp, xử lý nhanh từ đội ngũ cấp cứu hiện trường cho đến điều trị nội viện.

Ngày 14/6, họp rút kinh nghiệm cấp cứu thảm họa Carina, Phó giáo sư Trần Minh Trường, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định, với tốc độ xây dựng chung cư như hiện nay, tuy không mong muốn nhưng có thể vẫn còn xảy ra những thảm họa tương tự. Sự cố cháy chung cư Carina để lại nhiều bài học trong cấp cứu hàng loạt. Bệnh viện đã nhiều lần họp rút kinh nghiệm chuyên môn, đón nhận ý kiến đóng góp từ các chuyên gia ở các đơn vị để cấp cứu tốt nhất cho bệnh nhân trong những sự cố đặc biệt.

Dồn lực phối hợp để cứu sống người bệnh nhanh nhất

Bác sĩ Đỗ Ngọc Chánh, Trưởng Phòng Điều hành Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM vẫn nhớ như in thời khắc đầu ngày 23/3. Tiếng chuông báo cấp cứu người bị nạn vang lên lúc 1h40, một ê kíp từ trung tâm nhanh chóng lên đường tiếp cận hiện trường. Từ tin ban đầu có rất nhiều nạn nhân, trực lãnh đạo quyết định khẩn cấp huy động thêm 2 xe cấp cứu và điều động thêm 5 chiếc nữa từ các trạm vệ tinh cũng như các bệnh viện gần nhất.

Trong đêm tối do khu vực quanh đám cháy bị cúp điện, 4 chiếc xe được bố trí hoạt động ở mặt trước tòa chung cư, 4 chiếc ở mặt sau tòa nhà. Các chuyến cấp cứu nối tiếp luân phiên, khi chiếc này vừa chuyển nạn nhân đi thì xe khác lập tức vào thay vị trí. 13 người  tử vong được đưa đến nhà xác. 40 bệnh nhân được phân bổ vào các bệnh viện. 51 người tự đi cấp cứu bằng cách phương tiện khác.

Phó giáo sư Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết việc phối hợp kịp thời các chuyên khoa, huy động nguồn lực toàn viện đã góp phần quan trọng trong điều trị thành công các bệnh nhân Carina. Tất cả bệnh nhân vào cấp cứu tại bệnh viện đều có tình trạng bỏng hô hấp, ngạt khí, khắp người dính mụi than, phải khẩn cấp nội soi hô hấp để giải phóng đường thở. Quá trình điều trị sau đó cũng đối điện nhiều gian nang, bệnh nhân nặng nhất đến ngày 21/5 mới xuất viện.

Sau thảm họa, ngành y tế phải tính đến phương án viết kịch bản diễn tập, mạng lưới cùng phối hợp giữa cấp cứu 115, phòng cháy chữa cháy 114 và Hội chữ Thập đỏ TP HCM. Xây dựng quy chế phối hợp giữa các bệnh viện để khi xảy ra cùng lúc điều động, phối hợp tốt.

Cấp cứu nạn nhân tại hiện trường. Ảnh: Quỳnh Trần.

Cấp cứu nạn nhân tại hiện trường. Ảnh: Quỳnh Trần.

Vai trò của người chỉ huy, điều phối ở hiện trường hỗn loạn

Theo Phó giáo sư Ngọc Thảo, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy từng tham gia cấp cứu nhiều sự cố thảm họa như sập cầu Cần Thơ, sập hầm thủy điện Đạ Dâng... Điều quan trọng là phải xây dựng được kế hoạch đáp ứng, có người chỉ huy để điều phối, báo cáo.

Bác sĩ Võ Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM chia sẻ, tại hiện trường tương đối hỗn loạn, cần có cách nhận diện người chỉ huy y tế để đảm bảo việc điều phối thông suốt, chặt chẽ. Có thể tính đến phương án đặt cờ chỉ huy tại hiện trường giống như ở lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Nếu người chỉ huy phải đi giải quyết các việc khác thì tại vị trí đặt cờ sẽ có người trực ban được ủy quyền để điều phối.

Nạn nhân vụ cháy chung cư Carina nội soi hô hấp tại phòng cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Lê Phương.

Nạn nhân vụ cháy chung cư Carina nội soi hô hấp tại phòng cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Lê Phương.

Thống nhất phát ngôn với truyền thông, tăng cường tập huấn về thoát hiểm, sơ cứu ban đầu

Trong các sự cố thảm họa, việc cử người để thống nhất phát ngôn với truyền thông là rất quan trọng. Thông tin không chính xác sẽ gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của những người liên quan. Tại hiện trường cần có bộ phận tiếp dân để trấn an, thông tin, thông báo kịp thời tình hình. Cần tính đến phương án liên lạc qua bộ đàm với các đơn vị trong các trường hợp đặc biệt bị khóa sóng điện thoại.

Tiến sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, cần tăng cường truyền thông hướng dẫn người dân cách xử trí, thoát hiểm, sơ cứu ban đầu trong các tình huống khẩn cấp. "Bỏng hô hấp do khói lửa, hít phải khí độc trong các đám cháy rất phổ biến, chẳng hạn người dân biết cách như trùm vải ướt lên đầu để thoát hiểm, cho nạn nhân uống ngụm nước để làm ẩm đường thở... cũng góp phần giảm đáng kể tỷ lệ tử vong", tiến sĩ Hiệp chia sẻ.

Chú trọng điều trị tâm lý cho bệnh nhân, thân nhân, nhân viên y tế

Theo bác sĩ Võ Quang Huy, sau thảm họa, vấn đề điều trị, hỗ trợ tâm lý cho cả bệnh nhân, thân nhân lẫn nhân viên y tế cần được chú trọng. Sang chấn tâm lý, căng thẳng của kíp tham gia cấp cứu là khó tránh khỏi. Khoa Tâm lý Tâm thần của các trường y khoa cần thiết phải thành lập nhóm hỗ trợ sang chấn tâm lý sau thảm họa. 

Về vấn đề đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, đa số y bác sĩ cấp cứu chỉ đứng bên vòng ngoài để tiếp nhận bệnh nhân từ trong chuyển ra. Tuy nhiên cần tính đến phương án trang bị mặt nạ chống độc, quần áo bảo hộ để sử dụng trong một số tình huống cần thiết.

Cứu người trước, viện phí tính sau

Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương chia sẻ, chủ trương của ngành y tế là những trường hợp cấp cứu thảm họa phải tập trung cứu người trước, không thu tiền bệnh nhân. "Trong đêm cấp cứu nạn nhân Carina, một số thuốc phải mua từ bên ngoài, bệnh viện cũng chủ động duyệt chi chứ không để bệnh nhân phải trả", bác sĩ Nghiệm chia sẻ.

Trong vụ cháy Carina, Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu điều trị cho 13 bệnh nhân, số tiền viện phí hơn một tỷ đồng. Sau khi trừ bảo hiểm còn gần 966 triệu đồng hiện chờ UBND TP HCM duyệt phương án thanh toán.

Từ 1h40 ngày 23/3, chung cư Carina Plaza gồm 6 block cao 14-20 tầng ở quận 8 TP HCM phát cháy từ tầng hầm để xe. Hỏa hoạn làm 13 người thiệt mạng, 91 người nhập viện, hơn 340 xe máy và 17 ôtô bị thiêu rụi... Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng này chỉ đứng sau thảm họa cháy ITC năm 2002.

Lê Phương

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top