Sau nhiều năm điều trị hiếm muộn, cặp vợ chồng trẻ ở Hà Nội vui mừng khi biết mình có con gái đầu lòng. Thế nhưng, khi thai kỳ ở tuần thứ 26, mẹ chuyển dạ sinh non. Em bé chào đời chỉ nặng 500 g, hệ hô hấp còn rất non yếu chưa hoàn thiện. Bé thở thoi thóp, nhịp tim rời rạc, phản xạ yếu rất nguy kịch.
Bé được các bác sĩ tại Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh theo dõi chăm sóc đặc biệt, kết hợp dinh dưỡng từ sữa mẹ. Sau hơn ba tháng nuôi dưỡng, cân nặng của cháu đạt 2.650 g, bú tốt, vận động tốt và có thể xuất viện.
Em bé sinh non khỏe mạnh được xuất viện. Ảnh: Lê Nga. |
Tiến sĩ Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, đây không phải là lần đầu tiên bệnh viện cứu sống trẻ sinh non, nhẹ cân. Từ năm 2010, trung tâm đã nuôi dưỡng thành công trẻ sơ sinh trọng lượng nhẹ nhất là 500 g. Hiện bé đã đi học và khỏe mạnh bình thường. Năm 2016 cũng tại trung tâm, bé Trần Gấu chào đời ở tuần thai 27, nhẹ cân, phù thai. Bé là con của sản phụ ung thư phổi giai đoạn cuối.
Từ đầu năm đến nay, có 3 trẻ sinh non cân nặng 500 g cũng sống sót, trong đó 2 bé sinh đôi. 20 bé cân nặng 600-700 g cũng khỏe mạnh ra viện.
Theo tiến sĩ Trác, trẻ sinh non thì tất cả cơ quan gan, thận, não, ruột đều non yếu. Trẻ có thể bị suy hô hấp tử vong hoặc di chứng tàn tật suốt đời như bại não, tàn tật, giảm vận động, tăng động, bệnh lý võng mạc, mù lòa, nhiễm trùng, suy dinh dưỡng... Bệnh viện đã áp dụng phương pháp để cứu trẻ sinh non như hồi sức ngay từ phòng đẻ, chống suy hô hấp, chống tắc nghẽn đường thở, lồng ấp cách ly môi trường, chống nhiễm trùng nhiều tầng, nuôi dưỡng tĩnh mạch sớm, chiếu đèn trị vàng da...
Phó giáo sư Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, trẻ nhẹ cân từ 1.000 đến 1.500 g, tỷ lệ nuôi sống thành công gần 90%. Tỷ lệ sống của trẻ dưới 1.000 g gần 30%. Hiện, chi phí điều trị cho một bé sinh non nặng 500 g hơn 300 triệu đồng, phần lớn được bảo hiểm y tế chi trả.
Post a Comment