Trên sân khấu cải lương, NSƯT Ngọc Hương từng được đánh giá là đào thương tài sắc lẫy lừng. Bà đã dành trọn tuổi xuân để cống hiến cho nghệ thuật, cho khán giả nhưng ở cái tuổi xế chiều nghệ sĩ Ngọc Hương lại phải sống trong cảnh lận đận, long đong…

Thời vang bóng

Nghệ sĩ Ngọc Hương sinh năm 1942, là con nhà nòi về hát bội. Bà bước lên sân khấu từ rất sớm, khi mới chỉ là cô bé 10 tuổi. Là con nhà nòi nên ngay từ vai diễn đầu tiên, Ngọc Hương đã tỏa sáng. Giọng ca ngọt như mía lùi cùng khả năng diễn xuất tuyệt vời đã giúp cô bé Ngọc Hương được khán giả thương mến.

Chia sẻ về việc đến với sân khấu ở cái tuổi còn khá nhỏ, nghệ sĩ Ngọc Hương tâm sự, chính vì quá nghèo nên bố mẹ bà đã quyết định hướng dẫn các con học nghề cải lương. Bốn anh chị em bà hồi đó cùng được theo học ca vọng cổ, vũ đạo một cách bài bản. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật lại được bố mẹ đào tạo bài bản nên Ngọc Hương và các anh chị em của bà đều là những nghệ sĩ nổi danh của sân khấu cải lương.

Ở thập niên 1960, nghệ sĩ Ngọc Hương là cô đào nổi tiếng cùng trang lứa với các nghệ sĩ Út Bạch Lan, Thanh Nga... Bà đoạt giải Thanh Tâm năm 1962 cùng với nghệ sĩ Ánh Hồng. Khi ấy Ngọc Hương là cô đào cải lương hương sắc, ca ngâm, diễn xuất dịu dàng. Ngọc Hương và nghệ sĩ Thanh Hải - vua ngâm Tao Đàn là cặp đôi đào kép sáng giá hàng bậc nhất thập niên 1960 ở đoàn cải lương Kim Chưởng.

Ngôi sao - NSƯT Ngọc Hương: Đoạn trường hoàng hôn không tắt nổi lửa lòng

Nghệ sĩ Ngọc Hương thời đào chính xuân sắc.

Nghệ sĩ Kim Giác kể về em gái đầy tự hào: “Nhờ làn hơi mượt và thông minh, Ngọc Hương hồi đó đã được bầu Răng (đoàn Thanh Hương) mời đóng các vai đào nhí. Hương ca mùi lắm, người hâm mộ xếp hàng dài chờ đợi sau mỗi đêm diễn. Lập gia đình xong, Hương giúp chồng quán xuyến đoàn hát trong thời gian chồng tham gia cách mạng. Điều khiến tôi và giới nghệ sĩ trân trọng. Ngoài tài năng, Ngọc Hương còn là người chung thủy, trở thành điểm tựa cho đoàn hát, cho soạn giả Thu An. Đó là một sự hy sinh lớn lao và thầm lặng”.

Nói đến nghệ sĩ Ngọc Hương, người ta sẽ nhớ ngay đến vai cô đào Oanh Kiều trong vở cải lương Gánh cỏ sông Hàn. Vai diễn này của bà đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Trong những năm đầu thập niên 1980, vai diễn này đã giúp Ngọc Hương trở thành nghệ sĩ “vạn người mê”. Lớp diễn Oanh Kiều cầm nhánh cây quất vào lưng nhân vật phản diện, đầu hàng, theo giặc rồi hát bài Lý ngựa ô của nghệ sĩ Ngọc Hương đã bước ra đời sống thực, hành động đó được nhiều khán giả bắt chước.

Mặc dù, nghệ sĩ Ngọc Hương đã xây dựng cho mình một sự nghiệp lừng lẫy với những vai diễn được đánh giá cao, nhưng ở tuổi “xế chiều”, NSƯT Ngọc Hương lại đối mặt với cái nghèo, với bệnh tật dai dẳng.

Nghèo khó lại mắc bệnh trầm kha

Thời điểm cải lương dần sa sút, soạn giả Thu An bệnh tật, bao nhiêu tiền bạc, của cải dành dụm được đều đội nón ra đi. Từ một gánh hát danh tiếng gia đình nghệ sĩ Ngọc Hương rơi vào cảnh nợ nần.

Khi ấy bà và chồng đã phải chật vật xoay xở để duy trì cuộc sống. Cả năm trời đoàn hát chỉ “sống” được mấy mùa cúng chùa, cúng đình. Sau mỗi mùa như thế, tiền thu được cũng chỉ đủ để mua gạo và cả gia đình phải sống dưới hầm rạp Xuân Cảnh (Bến Tre). Mọi chuyện trở nên khó khăn hơn khi chồng bà mắc bệnh. Chi phí chữa bệnh của ông có lúc đến 2 triệu đồng/ngày. Quá khó khăn, bà phải cầm cố căn nhà để lấy tiền trang trải. Tuy nhiên, dù tận tình chạy chữa nhưng ông cũng không qua khỏi. Vì không có tiền trả, nhà cửa bị ngân hàng tịch biên để phát mại, nghệ sĩ Ngọc Hương phải ở nhà thuê cùng gia đình 2 người con trai. Tuổi cao, sức khỏe yếu bà vẫn đi hát ca cổ ở các quán nghệ sĩ để nhận số tiền boa ít ỏi mỗi đêm của khách về phụ tiền chợ cho các con.

Ngôi sao - NSƯT Ngọc Hương: Đoạn trường hoàng hôn không tắt nổi lửa lòng (Hình 2).

Nghệ sĩ Ngọc Hương trong vở Gánh cỏ sông Hàn cùng bạn diễn.

Năm 2005, chồng bà - soạn giả Thu An- qua đời để lại một gia tài tác phẩm đồ sộ với hơn 150 kịch bản cải lương, trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Nắng chiều trên sông Dịch, Hai chiều ly biệt, Gánh cỏ sông Hàn, Trống lệnh thành Hoa Lư, Tiếng súng một giờ khuya, Lửa phi trường... chưa kể đến hàng nghìn bài vọng cổ. Thế nhưng, năm thì mười họa mới có trung tâm, đơn vị đến mua tác quyền để tái dựng, số tiền nhuận bút khiêm tốn, nhỏ giọt không đủ giúp vợ con cố soạn giả Thu An vượt qua cảnh túng thiếu.

Nói về nghề “xướng ca”, NSƯT Ngọc Hương nghẹn ngào nhắc đến câu thơ: “Khép cánh màn nhung danh vọng hết/Người về lòng rũ sạch sầu thương/Người vào cởi áo lau son phấn/Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường”. Những câu thơ này dường như thực sự đã vận vào cuộc đời bà. Ở cái tuổi xế chiều nghệ sĩ Ngọc Hương không chỉ vật lộn với cuộc sống khó khăn mà còn phải chiến đấu với bệnh tật. Bệnh tật khiến bà đi đứng khó khăn, không thể đứng trên sân khấu để hát thế nên chỉ quanh quẩn ở nhà và quán của con dâu. Với một người nghệ sĩ gần như cả đời đã gắn bó với sân khấu nhưng lại chẳng thế mang tiếng hát của mình đến với khán giả thì chẳng điều gì có thể buồn hơn. Nghệ sĩ Ngọc Hương nói, cuộc sống khó khăn vì cơm áo gạo tiền chẳng là gì, điều khiến bà đau khổ chính là ngọn lửa nghệ thuật đang hừng hực cháy nhưng lại chẳng thể đứng trên sân khấu để gặp khán giả.

Ở cái tuổi thất thập, ánh hào quang năm xưa đã không còn, cuộc sống của bà giờ đây là nỗi lo cơm áo và vòng xoáy bệnh tật. Nữ nghệ sĩ nổi danh tài sắc năm nào nay chỉ vận bộ đồ đơn sắc, mái tóc lưa thưa búi gọn sau gáy, lặng lẽ ngồi bên tấm biển chào hàng “Bánh sữa hột gà 2.000 đồng/cái”.

Ngôi sao - NSƯT Ngọc Hương: Đoạn trường hoàng hôn không tắt nổi lửa lòng (Hình 3).

Ở cái tuổi xế chiều nghệ sĩ Ngọc Hương vẫn rất đam mê cải lương.

NSƯT Ngọc Hương cho biết, đây là quán của con dâu và bà còn chút sức khỏe thì cố phụ giúp con cháu, san sẻ phần nào gánh nặng mưu sinh. Nhìn vào cảnh tượng đầy ám ảnh ấy, khó ai có thể tưởng tượng được thời hoàng kim của cải lương, bà là tên tuổi từng được săn đón bậc nhất. “Ngồi cả ngày như thế thì lời được vài chục ngàn đồng để mua gạo. Các cháu của tôi còn phải đến trường, rồi tiền học, tiền ăn... Tôi bệnh nhưng không dám vào bệnh viện vì nhiều chi phí quá”, NSƯT Ngọc Hương nghẹn ngào chia sẻ.

Ở cái tuổi xế chiều, khuôn mặt NSƯT Ngọc Hương vẫn còn phảng phất nét duyên thắm của cô đào tài sắc, nụ cười nhân hậu rạng ngời chỉ còn xuất hiện ở một vài khoảnh khắc hiếm hoi. Những nghệ sĩ cùng thời đều tiếc cho NSƯT Ngọc Hương, sự hụt hẫng, cô đơn của một cánh chim lẻ bạn đã khiến tâm hồn bà trở nên trĩu nặng.                                                             

Vào 20h10 tối ngày 30/11/2017, nghệ sĩ cải lương Ngọc Hương mất tại bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng quận 8, hưởng thọ 75 tuổi. Trong buổi sáng cùng ngày, bà được con dâu đưa vào bệnh viện trong tình trạng khoẻ mạnh tỉnh táo nhưng đến chiều tối thì bất ngờ sức khoẻ chuyển xấu. Bà hôn mê rồi qua đời tại đây. Trước đó, vào ngày 28/11, do tình trạng đi đứng và ăn uống khó khăn nhiều ngày, NSƯT Ngọc Hương được đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM để khám sức khỏe. Các bác sĩ chuyên khoa sau khi kiểm tra sức khỏe đã kết luận bà bị ung thư gan giai đoạn cuối và suy thận cấp. Biết mình bệnh hiểm nghèo, bà rất buồn và sốc nhưng không muốn nhập viện mà yêu cầu được điều trị tại khu dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM ở quận 8 – nơi bà đã sống hơn 2 năm cùng nhiều đồng nghiệp. Nữ nghệ sĩ được an táng tại nghĩa trang Đa Phước, TP.HCM.

Nguồn: Tổng hợp

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top