Quán sữa chua hoa quả trên đường Kim Mã Thượng khiến cho mọi người như được trở về tuổi thơ.
Video sữa chua hoa quả ở Kim Mã Thượng.
Đã bao giờ bạn tự hỏi “Sẽ mua gì giải khát giữa trưa hè nóng bức của Hà Nội nếu chỉ có 2 nghìn đồng trên tay?”. Chắc chắn, với câu hỏi này, nhiều người sẽ ngán ngẩm mà lắc đầu “Sẽ chẳng mua được gì cả bởi đến que kem rẻ nhất cũng đã 3 nghìn rồi”.
Có lẽ đây sẽ là câu đố khó với rất nhiều người bởi Hà Nội đất chật người đông, cái gì cũng đắt đỏ đến mức mỗi sáng mở mắt ra là "mất tiền" nên việc giải khát chỉ với 2 nghìn là điều không thể. Thế nhưng, nếu đến con phố Kim Mã Thượng, chắc chắn bạn sẽ tìm được câu trả lời cho câu hỏi này với hộp sữa chua hoa quả mát lạnh có gần 50 vị để lựa chọn chỉ với giá 2 nghìn đồng.
Quán sữa chua hộp ở Kim Mã Thượng có tuổi đời 27 năm.
Tuổi thơ chắc hẳn ai cũng đã từng được ăn những hũ sữa chua bé bé xinh xinh. Mặc dù chỉ có một chút hương vị sữa chua, còn đâu chủ yếu là đá nhưng không biết bao nhiêu thế hệ học sinh đã từng gắn bó một thời.
Những tưởng, khi cuộc sống đã đủ đầy, những hộp sữa chua như thế bị "tuyệt chủng" dần thì ngay tại Hà Nội vẫn còn một địa điểm làm nên những ký ức tuyệt đẹp cho bao thế hệ học sinh đến giờ, đó chính là quán sữa chua ở Kim Mã Thượng.
Chỗ ngồi ở đây tuy nhỏ, chỉ vỏn vẹn vài m2 nhưng bạn có thể ngồi ở vỉa hè, dưới những tán cây thưởng thức sự mát lạnh của từng hũ sữa chua.
Quán sữa chua ở đây không khó tìm và luôn mang lại cảm nhận như trở về nhiều năm trước bởi không gian quán khá nhỏ và cũ kỹ. Đặc biệt, không gian khiến người ta như được trở về những quán tạp hóa xưa với những túi bim bim to đùng được treo đầy 2 bên tường.
Chắc chắn, nhiều người đến đây sẽ thắc mắc về việc cùng một ngôi nhà nhưng được ngăn thành 2 quán sữa chua hoa quả khác nhau, một bên nhỏ và một bên quán chạy sâu vào trong hơn. Nghe nói, 2 quán là 2 con dâu của một cụ bà – người bán sữa chua đầu tiên ở con phố này. Tuy 2 quán sữa chua hoa quả giống nhau nhưng mọi người sẽ có cảm nhận khác nhau khi đến ăn ở mỗi quán ở cách tiếp đón khách của chủ quán.
Mọi người ăn quen thường bảo rằng, quán nông của cô Tuyết có hương vị hoa quả đậm đà hơn quán sâu bên cạnh. Thế nhưng, dù có cảm nhận thế nào đi nữa, khi bước chân vào cả 2 quán bạn cũng đều sẽ được sống dậy một phần phần ký ức tuổi thơ với món quà ăn vặt giờ tan trường này.
Sữa chua ở đây có gần 50 vị khác nhau.
Sữa chua ở đây được làm trong những hộp nhựa như thời 15-20 năm về trước. Không chỉ có giá thành rẻ 2 nghìn/hũ, ở đây còn có vô vàn vị hoa quả khác nhau với menu "dài dằng dặc" gần 50 vị khiến mọi người phải “lóa mắt”. Và chắc chắn giữa muôn vàn khẩu vị như vậy, cách tốt nhất là “phó mặc” cho cô chủ quán.
Hầu hết những người đến ăn thường gọi số hộp, rồi sau đó cô chủ quán sẽ mang ra đầy đủ với muôn màu xanh, đỏ, tím, vàng, hồng,... vô cùng bắt mắt hoặc mọi người có thể order theo từng vị mình thích.
Một hộp chỉ có giá 2 nghìn đồng.
Sữa chua ở đây có 2 loại, loại cứng và loại mềm có thạch dừa. Loại cứng mang đến cho mọi người cảm giác mát lạnh, giải khát còn loại mềm lại giống như pudding với nhân thạch dừa mềm, thơm.
Một hộp sữa chua ở đây bé nhỏ xinh xinh, mỗi người có thể gọi chục hộp mà không thấy ngán. Đặc biệt, mỗi hộp sẽ mang đến một hương vị khác nhau, khiến người ta luôn muốn khám phá hết bản thực đơn ấy.
Tuy nhiên gọi là sữa chua hoa quả nhưng chắc chắn bạn sẽ khó phân biệt được từng vị hoa quả khác nhau, thậm chí khi nhận ra mùi vị rồi bạn cũng khó có thể nhắc tên loại quả ấy.
Chính điều này đã mang đến sự thích thú cho thực khách, khiến ai mỗi một lần đến cũng mang trong mình tâm trạng háo hức và nhớ lại tuổi thơ cùng chúng bạn tụm năm tụm ba ngồi đoán từng màu sắc, hương vị một thưở tan trường.
Không gian ở đây tuy cũ nhưng lại được trang trí bằng những túi bim bim, snack đầy 2 bên tường.
Sữa chua hoa quả nhân thạch dừa.
Mỗi lần đến, mọi người có thể thưởng thức cả chục hộp sữa chua như thế này.
Mặc dù 2 quán sữa chua hoa quả chung một nhà ở cạnh nhau nhưng quán nông có tuổi đời 27 năm còn quán sâu bên cạnh có tuổi đời khoảng 20 năm.
Theo cô Lê Bạch Tuyết (57 tuổi, chủ quán sữa chua hoa quả nhỏ hơn), để mọi người nhận biết quán đó là biển hiệu đề tên cô và tấm bảng thực đơn được ghi bằng phấn truyền thống.
Sữa chua được làm để phục vụ cho khách hàng đến ăn.
Cô Tuyết kể, cô bán sữa chua hoa quả đã được 27 năm nay, nối nghề của mẹ chồng. Trước đây mẹ chồng cô chỉ bán sữa chua nhưng sau đó, nhờ các bạn nhỏ tư vấn, cô đã sáng tạo thêm món sữa chua hoa quả bán cho đến tận bây giờ.
“Hồi đầu, cuộc sống khó khăn, bán sữa chua chỉ là bán thêm. Thế nhưng cuối cùng theo thị hiếu, các cháu đến muốn ăn sữa chua vị hoa quả nên tôi làm thêm. Từ công thức làm sữa chua trắng của ông bà để lại, tôi kết hợp theo cách của mình làm sữa chua hoa quả”, cô Tuyết chia sẻ.
Hồi đầu vẫn còn bỡ ngỡ về tỉ lệ pha chế sao cho phù hợp, thể hiện đúng hương vị của từng loại quả, cô Tuyết gặp không ít khó khăn. Cô phải làm không biết bao nhiêu mẻ sữa chua để lấy ý kiến của khách hàng và dần dần cải thiện theo một công thức nhất định, phù hợp với nhiều thực khách như bây giờ.
“Thời gian đầu tiên bán đắt hàng lắm gấp 3-4 lần hiện nay. Bây giờ học sinh được bố mẹ cho tiền ăn vặt nhiều, có nhiều sự lựa chọn hơn nên mỗi ngày chỉ bán khoảng 300 hộp. Thế nhưng chỉ có một mình tôi nên một ngày làm được hơn 300 hộp đã oải lắm rồi”, cô Tuyết tâm sự.
Mỗi ngày nắng nóng, cô Tuyết bán hơn 300 hộp sữa chua.
Không giấu bí quyết làm nghề, cô Tuyết bộc bạch, vì giá thành rẻ chỉ 2 nghìn/hũ nên cô chỉ lấy công làm lãi. Suốt 27 năm bán sữa chua hoa quả, cô cũng chỉ đủ tiền ăn tiêu hàng ngày.
Sữa chua mùa đông phải để 2 ngày mới cứng còn mùa hè phải 5-6 ngày nên ngày nào cũng vậy từ sáng đến tối, cô đều như người có con mọn bởi phải làm hàng gối nhau mà bán.
“Vị ổi sẽ ra màu hồng vì là ổi đào, bơ sẽ ra màu vàng vàng xanh xanh, dưa bở ra màu hơi vàng cam, dâu tây ra màu hồng phớt,… Với 2 nghìn/hộp, mùa nào quả đắt sẽ không thể có quả tươi để làm được.
27 năm làm bán hàng, hầu như mùa nào hoa quả rẻ tôi mới xay cho hoa quả tươi vào còn đa số vị sữa chua đều là siro. Ngoài ra, nhiều loại bắt buộc phải cho siro mới lên được vị và không bị vón cục sữa chua”, cô Tuyết cho hay.
Đa số vị sữa chua đều làm từ siro.
Cô Tuyết bảo, mặc dù làm sữa chua hoa quả lắt nhắt, tỉ mẩn từng tí một nhưng vì nghề của gia đình nên cô vẫn gắn bó với nó đến khi nào không thể. Cô sẽ cố gắng giữ lại món ăn vặt truyền thống của thế hệ 8X, 9X một thời đến với thế hệ học sinh hiện nay để chúng được trải nghiệm và có một thuở học sinh tuyệt vời như thế hệ đi trước đã từng.
40 năm tiếp quản quán bún riêu cua của mẹ chồng, cô Nguyễn Thị Liên (66 tuổi, Bát Đàn) khiến mọi người thương nhớ với bát bún riêu cua ngọt, thanh,...
Theo Hồng Nhung - Trung Đức (Khám phá)
Post a Comment